Doanh nghiệp có giao dịch liên kết quyết toán thuế: Phải nộp các tờ khai liên quan
Theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp giao dịch liên kết, các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết phải nộp các tờ khai liên quan khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có quan hệ giao dịch liên kết theo kiểu gia đình chưa nắm được quy định này. Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam khi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề quyết toán thuế.
PV: Do dịch Covid-19, nên hiện nay ngành Thuế nói chung và các cục thuế nói riêng đều tổ chức hội nghị đối thoại, hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế bằng hình thức trực tuyến. Việc tổ chức hội nghị đối thoại bằng hình thức trực tuyến này có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp (DN), nhất là thời gian quyết toán thuế đang đến rất gần, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Hàng năm DN phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong thời gian này, DN cũng như người nộp thuế rất lo lắng. Đặc biệt trong năm 2021 chính sách thuế có nhiều thay đổi, nhất là chính sách giảm thuế, miễn thuế. Câu hỏi thường trực của các DN, cũng như cá nhân người nộp thuế là làm thế nào để quyết toán thuế đúng theo quy định, không bị xử phạt, không bị tính tiền chậm nộp..., những nội dung trên khiến các DN khá lúng túng trong quá trình làm thủ tục quyết toán thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc
Các năm trước đây, khi chưa có dịch Covid-19 bùng phát, ngành Thuế cũng như các cục thuế thường tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp. Hội Tư vấn thuế Việt Nam chúng tôi cũng được đồng hành cùng ngành Thuế, trong đó có Cục Thuế TP. Hà Nội và một số cục thuế khác.
Tuy nhiên, do tổ chức hội nghị trực tiếp nên số lượng DN, người nộp thuế tham gia hạn chế hơn hội nghị trực tuyến rất nhiều vì không gian có hạn. Với hội nghị đối thoại bằng hình thức trực tuyến thì số lượng DN, người nộp thuế tham dự đông hơn rất nhiều. Đối tượng cũng đa dạng, vì ngồi ở nhà, hay ở văn phòng làm việc cũng có thể tham dự được.
Có thể nói, khi công tác tuyên truyền, hỗ trợ được triển khai tốt thì người nộp thuế nói chung và DN nói riêng sẽ biết được các quy định của chính sách pháp luật thuế, thực hiện đúng theo quy định, số DN bị nợ thuế, bị phạt giảm đi rất nhiều, ý thức tuân thủ pháp luật thuế cũng được nâng lên.
PV: Chính sách pháp luật thuế năm nay có nhiều điểm mới so với trước đây, như quy định về tạm nộp thuế TNDN, kê khai thuế TNCN… Xin bà có thể nói rõ hơn về những quy định này?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì DN phải thực hiện tạm nộp thuế TNDN của 3 quý đầu năm tính thuế không thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp cả năm theo quyết toán thuế TNDN năm. Nếu tổng số đã tạm nộp của 3 quý đầu năm thấp hơn 75% số thuế phải nộp của cả năm, thì DN bị tính tiền chậm nộp tính trên số thuế thấp hơn 75%.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2021 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất trong quý II, quý III, đến quý IV mới quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thì việc quy định phải tạm nộp 75% là không phù hợp. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ lấy ý kiến sửa Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trong đó có nội dung liên quan đến quyết toán thuế TNDN và thuế TNCN.
Doanh nghiệp cần lưu ý quy định về giao dịch liên kết để kê khai khi quyết toán thuế. Ảnh: NM
Thứ nhất, đối với thuế TNDN, vấn đề tạm nộp 75% trong 3 quý sẽ sửa thành 4 quý tạm nộp 80% thì không phải tính tiền chậm nộp. Dự thảo cũng trình Chính phủ cho áp dụng từ thời điểm DN khai, quyết toán thuế năm 2021. Như vậy, nếu DN đã tạm nộp thuế TNDN chưa đủ 75% sẽ không bị tính tiền chậm nộp.
Thứ hai, đối với thuế TNCN, theo quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Thông tư 80/2021/TT-BTC, DN dù không có nghĩa vụ khấu trừ thuế, nhưng vẫn phải nộp tờ khai thuế theo tháng. Do đó, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định nếu DN không phát sinh nghĩa vụ thuế, thì không phải nộp tờ khai thuế...
PV: Như bà vừa nói thì năm nay chính sách thuế có khá nhiều quy định mới mà người nộp thuế cần phải lưu ý. Vậy ngoài các quy định về tạm nộp thuế TNDN, các quy định về thuế TNCN thì thủ tục khai, quyết toán thuế năm nay có gì mới không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Đối với thuế TNDN, hiện nay có một nội dung DN cần lưu ý, đó là theo quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, thì các DN có quan hệ giao dịch liên kết phải nộp các tờ khai liên quan khi thực hiện quyết toán thuế TNDN. Tuy nhiên, hiện nay một số DN, đặc biệt là DN Việt Nam có quan hệ giao dịch liên kết theo kiểu gia đình, nhưng chưa biết phải nộp tờ khai thuế.
Một quy định khác, đó là các DN có giao dịch liên kết chỉ được tính chi phí lãi vay không vượt quá 30% lợi nhuận thuần, nếu vượt quá thì phải chuyển sang kỳ sau. Những nội dung này hầu hết các DN của Việt Nam, nhất là các DN nhỏ, DN siêu nhỏ có quan hệ liên kết theo kiểu gia đình đang rất thờ ơ. Vì thế, tôi xin lưu ý các DN cần chú ý để khi khai thuế phải nộp tờ khai tính toán tỷ lệ lãi vay, cũng như các biểu mẫu xác định các thông tin về giao dịch liên kết để tránh rủi ro trong quyết toán thuế.
PV: Xin cảm ơn bà!
Hội nghị trực tuyến giải đáp nhiều vướng mắc cho người nộp thuế
“Đối với việc quyết toán thuế năm nay, nhiều chính sách thuế mới đã có hiệu lực thi hành, trong đó một số chính sách mới doanh nghiệp đang rất quan tâm như: tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, các quy định về thuế thu nhập cá nhân... khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng. Tuy nhiên, với việc tổ chức các hội nghị hỗ trợ trực tuyến của ngành Thuế nói chung và các cục thuế nói riêng, những băn khoăn này sẽ được giải quyết, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong quá trình làm thủ tục quyết toán thuế, giúp người nộp thuế sớm vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển”. - Bà Nguyễn Thị Cúc