Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Thành công tạo nên từ khát vọng
Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, các đại biểu đều thống nhất quan điểm, chưa khi nào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lại có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Lời tòa soạn: Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra.
*********************************
Thời của các doanh nghiệp số
Năm 2020 là năm chứng kiến sự phát triển rất nhanh và mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, cả nước hiện có khoảng 58.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Đáng chú ý, riêng năm 2020 có tới 13.000 doanh nghiệp công nghệ số mới ra đời.
Không chỉ gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình lên đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Đơn cử Be (ứng dụng gọi xe Make in Vietnam), dù mới thành lập vào năm 2018, nhưng đến tháng 6/2019 đã nắm giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Đến nay, ứng dụng này đã có hơn 10 triệu lượt tải, hiện diện tại 10 tỉnh/thành phố và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 100.000 tài xế. Mục tiêu của Be là phát triển thành một hệ sinh thái mở với nhiều tính ứng dụng trong các lĩnh vực như logistic, vận chuyển, giao thông công cộng, tài chính và du lịch. Thay vì chỉ là một ứng dụng gọi xe, Be cũng tham vọng trở thành một ngân hàng số.
Với Base.vn, từ một start-up chỉ có 5 người vào năm 2016, đến nay đã nắm trong tay hàng loạt nền tảng mở với 50 ứng dụng chuyên biệt, giúp số hóa quy trình, nghiệp vụ cho rất nhiều công ty, tổ chức tại Việt Nam. Đáng chú ý, một nửa trong số 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu được bình chọn tại giải thưởng ASEAN là khách hàng của công ty này. Theo CEO của Base.vn, ông Phạm Kim Hùng, "các kỹ sư của Việt Nam có trình độ không thua kém đồng nghiệp trên thế giới. Với đam mê và nhiệt huyết, chúng tôi đang tạo ra các sản phẩm số để bất cứ doanh nghiệp, người dùng Việt Nam nào cũng có thể sử dụng được".
Cùng quan điểm, ông Trương Quốc Hùng – CEO của VinBrain, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về AI còn tham vọng hơn khi đang mơ về việc biến Việt Nam trở thành cường quốc về AI, nhờ giải bài toán của 7,4 tỷ người trên thế giới. Nói là làm, DrAid - sản phẩm AI đầu tiên trong lĩnh vực y tế của người Việt đã ra đời, được hơn 350 bác sĩ sử dụng với hơn 100.000 hình ảnh y tế được tải lên mỗi tháng.
Sứ mệnh xây dựng nên một quốc gia số
Trong bức thư gửi tới các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp số nói riêng có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Cộng đồng gần 60.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu ước tính 120 tỷ USD năm 2020, đang là một động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý trực tiếp, chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số đã thể hiện được khả năng của mình khi nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ giúp phòng chống Covid-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet cho tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ… đã giúp Việt Nam thực hiện được song song mục tiêu kép: chống dịch và phát triển kinh tế.
Khẩu hiệu Make in Vietnam được Bộ TT&TT phát động đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Việt Nam cũng đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ không phải điều gì cao siêu, đó là kết quả của lao động sáng tạo. Chính khát vọng lớn sẽ kích hoạt sự lao động sáng tạo đó.
“Một khát vọng lớn đến không tưởng và một sự quyết tâm bền bỉ sẽ dẫn chúng ta đến những cách tiếp cận đột phá để biến việc khó thành việc dễ. Một sứ mệnh lớn lao sẽ giúp chúng ta tiếp cận được năng lượng của trời đất để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Sứ mệnh Make in Vietnam sẽ tạo ra năng lượng vô hạn cho chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích. Và khi nói riêng về các doanh nghiệp số, Bộ trưởng cho rằng sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Vietnam sẽ là chuyển đổi số Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược cho từng giai đoạn.
“Muốn Make in Vietnam thì phải làm chủ công nghệ. Phát triển các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia bằng công nghệ mở chính là định hướng của Việt Nam, là mấu chốt để tạo ra niềm tin số Việt Nam. Công nghệ mở cũng là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào cũng có thể trở thành công ty công nghệ. Năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp công nghệ số… Mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp vì thế hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, một tình yêu lớn. Chỉ khi đó, những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đã được cộng lực với nhau để tạo nên một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.