Doanh nghiệp đa cấp không được phép huy động vốn

Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sẽ chỉ được bán các loại hàng hóa nhất định chứ không được phép huy động vốn, đặc biệt là huy động, sử dụng mô hình huy động vốn bằng tiền ảo.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TL

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TL

Kết nạp Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam trở thành hội viên của VCCI

Chiều 23/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính – Hành lang pháp lý thúc đẩy bán hàng đa cấp tại Việt Nam”.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh doanh đa cấp là hình thức hợp pháp tại các quốc gia công nghiệp.

Tại Việt Nam, cách đây 15 năm loại hình này đã được chính thức quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính đã chứng minh rằng đây là loại hình hợp pháp góp phần đóng góp cho ngân sách và phát triển kinh tế đất nước. Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra thời gian qua do bất cập của hệ thống pháp luật, của những thành phần muốn trục lợi khiến loại hình này trở thành loại hình kinh doanh gây nhiều tranh cãi.

Đến năm 2018, Nghị định 40/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, Nghị định 40 ra đời với những quy định cụ thể, đầy đủ, thậm chí ngặt nghèo mà chỉ những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bài bản mới được phép tiếp tục hoạt động đúng “đường ray” pháp luật.

Với Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam, Chủ tịch VCCI thẳng thắn rằng hoạt động nhiều non trẻ, các hoạt động tham mưu tư vấn cho các cơ quan bộ, ngành cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp cho hội viên… còn hạn chế.

Cũng nhân dịp này, VCCI chính thức kết nạp Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam trở thành hội viên tập thể của VCCI. Với sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ của VCCI, Hiệp hội mong muốn quyết tâm thay đổi được những sự tranh cãi của dư luận và trở thành ngôi nhà chung đáng tin cậy, phát triển nền thương mại văn minh phục vụ cho người dân và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp đa cấp bất chính đã rõ ràng

Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, tổng doanh thu của ngành hoạt động đa cấp vẫn tăng trưởng trong 4 năm vừa qua, giai đoạn 2016 - 2017 đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2018 đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2019 là khoảng 12 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh hoạt động bán hàng của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp làm ăn không chân chính.

Về dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp đa cấp bất chính, ông Tuấn cho biết theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40) của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục tham gia hoạt động. Các công ty bán hàng đa cấp đã và đang tuân thủ nghiêm túc hành lang pháp lý này trong các hoạt động kinh doanh của mình cũng như trong việc quản lý người tham gia.

Theo đó, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có giấy chứng nhận của Bộ Công thương và phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên. Chúng tôi công khai danh sách 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính nên nếu muốn kiểm tra doanh nghiệp bán hàng đa cấp có phải là doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính hay không thì mọi người hoàn toàn có thể kiểm tra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sẽ chỉ được bán các loại hàng hóa nhất định chứ không được phép huy động vốn, đặc biệt là sử dụng mô hình huy động vốn bằng tiền ảo.

Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; quy tắc hoạt động; kế hoạch trả thưởng; chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP…

Nghị định 40 cũng đã bổ sung thêm nhiều hành vi cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp như: Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số; tổ chức các hoạt động trung gian thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp; chấp thuận đơn từ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyền lợi theo quy định của người tham gia bán hàng đa cấp; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các đối tượng không được phép; không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp….

“Nếu doanh nghiệp nào thực hiện những hoạt động này thì đó là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính, người tiêu dùng hoàn toàn có thể biết”, ông Tuấn nhấn mạnh./.

Bùi Tư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-23/doanh-nghiep-da-cap-khong-duoc-phep-huy-dong-von-89910.aspx