Doanh nghiệp đã nhận thấy tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Mặc dù chưa nhận thức rõ ràng các tác động cụ thể từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) nhưng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn lạc quan đón nhận với 67% cho rằng CMCN 4.0 sẽ tác động đáng kể đến DN họ trong 3 năm tới.

Mặc dù đa số trả lời có biết đến CMCN 4.0 nhưng rất ít người hiểu rõ khái niệm về nó và tác động của nó. Nguồn: internet

Mặc dù đa số trả lời có biết đến CMCN 4.0 nhưng rất ít người hiểu rõ khái niệm về nó và tác động của nó. Nguồn: internet

Đa phần DN tham gia Khảo sát về CMCN 4.0 Việt Nam 2018 do PwC thực hiện đã trả lời câu hỏi quan trọng "Ai sẽ tiên phong trong việc đưa Việt Nam vào môi trường số hóa mới?", rằng các DN tư nhân sẽ đóng vai trò tiên phong nhưng cần sự hỗ trợ của Chính phủ để giúp cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công. Dữ liệu được PwC tổng hợp từ 190 đại diện của các DN đang hoạt động trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ CMCN 4.0.

Có đến 67% đại diện dự đoán CMCN 4.0 sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động của DN họ trong 3 năm tới, trong khi 24% cho biết DN họ đã và đang bị ảnh hưởng. Những lợi ích dễ nhận thấy như hiệu suất cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa. 35% tin tưởng việc phân phối và hoàn thành sản phẩm sẽ nhanh hơn, 23% cho rằng chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện và 28% mong đợi cải thiện khả năng tiếp cận khách hàng.

Mặc dù đa số trả lời có biết đến CMCN 4.0 nhưng rất ít người hiểu rõ khái niệm về nó và tác động của nó. Phần lớn cho biết có kiến thức "hạn chế” hoặc "không hiểu đầy đủ” về những tác động cụ thể; 73% chỉ có một ít kiến thức về CMCN 4.0, thậm chí không hiểu rõ những tác động của nó; chỉ 27% hiểu đầy đủ về khái niệm và những tác động của xu thế mới này.

Theo PwC, các DN ước tính sẽ chi tiêu rất nhiều cho việc số hóa và tự động hóa với mức đầu tư lớn hơn 2 - 3 lần mức trung bình của toàn cầu. Họ cho biết các khoản đầu tư cho việc số hóa chiếm 9% tổng doanh thu hằng năm và dự đoán sẽ chiếm đến 22% trong 5 năm tới. Ở vị trí quản lý, chỉ 14% tin rằng nhân viên của mình có sự chuẩn bị cần thiết cho quá trình chuyển đổi số; 50% nhân sự cần được đào tạo lại hoặc nghỉ việc; 65% mong đợi nhiều lợi ích và cơ hội cho tổ chức của mình.

Mặc dù nhận ra những năng lực cần thiết để phát triển thích ứng với công nghệ mới nhưng họ lại "thiếu hiểu biết" về các kỹ năng, kiến thức và năng lực cụ thể cho việc tích hợp số hóa với CMCN 4.0. Chỉ 14% "hiểu rõ” các yêu cầu kỹ năng cần thiết cho việc chuyển đổi số, 16% "hoàn toàn chưa" nhận thức được, 70% "chưa nhận thức rõ” các kỹ năng cụ thể.

PwC cho rằng Việt Nam gặp phải những thách thức riêng xuất phát từ mức độ trưởng thành của thị trường. Trong khi người trả lời khảo sát toàn cầu lo ngại việc thuyết phục các quản lý cấp cao đầu tư và xác minh lợi tức đầu tư, thì DN Việt Nam lo ngại hơn về mức độ hoàn thiện của môi trường kinh doanh như thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật số, các kỹ năng cần thiết trong thị trường lao động và bảo mật an ninh dữ liệu.

Số liệu khảo sát toàn cầu chỉ ra 3 thách thức lớn với CMCN 4.0 là thiếu tầm nhìn về hoạt động số và sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp cao (40%), sự mơ hồ về lợi ích kinh tế từ các khoản đầu tư vào công nghệ (38%), và chi phí cao (36%). Trong khi 3 thách thức DN Việt Nam chỉ ra là thiếu các tiêu chuẩn, quy tắc và chứng nhận công nghệ số (18%); lao động thiếu kỹ năng và năng lực chuyên môn (16%); và không giải quyết được các vấn đề an ninh bảo mật (15%).

Đặc biệt, có đến 69% cho rằng giải quyết các rủi ro an ninh mạng là "tuyệt đối quan trọng"; 27% cho rằng "vô cùng quan trọng" nhằm tránh ảnh hưởng đến danh tiếng của DN, mất lòng tin của khách hàng và mất mát dữ liệu.

Hầu hết DN kỳ vọng vào sự hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức ngành nghề và các tổ chức tư nhân để CMCN 4.0 thành công tại Việt Nam. Có đến 64% cho rằng DN tiên phong trong việc số hóa, 32% muốn chính phủ tham gia hợp tác công - tư (PPP), nhưng 74% đánh giá cao mô hình hợp tác công - tư giữa chính phủ - ngành giáo dục và các ngành nghề kinh tế nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết trong tương lai.

Ông Grant Dennis - Tổng giám đốc PwC khuyến nghị, để đẩy mạnh quá trình này cần nâng cao nhận thức thông qua các cơ quan, ban ngành, khuyến khích phát triển mạng lưới hạ tầng và các trung tâm sáng tạo. Điều cần làm trước tiên là xây dựng và triển khai các năng lực số và hạ tầng số trên toàn Việt Nam.

Theo Tuyết Ân/doanhnhansaigon.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-da-nhan-thay-tac-dong-cua-cach-mang-cong-nghiep-40-153758.html