Doanh nghiệp đang khát vốn, có thể làm lỡ cơ hội kinh doanh
Thảo luận tại Hội trường, một số đại biểu Quốc hội lưu ý tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh nhưng khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Doanh nghiệp đang khát vốn, lỡ cơ hội kinh doanh đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để cung vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Triển khai hiệu quả hơn gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp này, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn. Công tác điều hành chính sách tiền tệ như kiểm soát tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến của thị trường, cùng với việc phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tài khóa đã đảm bảo ổn định vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, nêu phản ánh của cử tri và doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) chỉ rõ, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh nhưng khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng do ngân hàng thương mại đã hết "room" tín dụng hoặc thiếu vốn cho vay do chưa thu hồi được các khoản tín dụng đến hạn, cũng như khó khăn trong huy động tiền gửi của khách hàng. Đặc biệt, sau khi Chính phủ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước siết chặt điều kiện cho vay đối với một số lĩnh vực thì nguy cơ thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh và mức độ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng càng tăng cao.
Ở một diễn biến khác, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành, nới biên độ giao dịch tỷ giá đồng USD khiến lãi suất huy động và cho vay của hầu hết các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng, giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng rất mạnh. Theo ĐB Nguyễn Thành Trung, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, chỉ tiêu dư nợ tín dụng ngân hàng/GDP của Việt Nam ở mức khá cao (125% GDP), cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống, giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí đã có những trường hợp vi phạm pháp luật.
Để bảo đảm ổn định thị trường tài chính, thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đại biểu tỉnh Yên Bái đề nghị, việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay, song Chính phủ cần có biện pháp giám sát chặt chẽ lãi suất đầu ra của các ngân hàng thương mại để không hạn chế khả năng các thành phần kinh tế thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất phù hợp và không phát sinh các khoản phí khác.
Đồng thời, cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất, tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa bảo đảm huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được Quốc hội quyết định. Đồng thời khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu Chính phủ, trở thành kênh dẫn vốn an toàn, hiệu quả cho các dự án của doanh nghiệp.
ĐB Nguyễn Thành Trung cũng đề nghị, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lượng tiền cung ứng đối với nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa, quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng.
Thiếu vốn, nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) cũng lưu ý, tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội đã có chủ trương đưa ra gói kích thích để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022- 2023. Các nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn trên thị trường sẽ dồi dào hơn, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn và các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp đang "khát vốn", nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, tránh cung tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây hệ lụy nợ xấu, tạo bất ổn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, theo ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chỉ phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay và đồng thời giảm lãi suất ở một số các lĩnh vực như Bộ trưởng Bộ Công thương đã nói ở lĩnh vực xăng dầu.