Doanh nghiệp 'đau đầu' với chi phí sản xuất

Nhiều doanh nghiệp đang phải tốn thêm nhiều chi phí do khâu vận chuyển hàng hóa, nguyên phụ liệu tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phục hồi sản xuất.

Nhiều chi phí phát sinh

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi tháng, Công ty TNHH Hồng Đức mất thêm một khoản phát sinh lớn cho chi phí sản xuất.

Mọi năm, vào thời gian này được xem là những tháng “củ mật” của sản phẩm điều rang muối. Tuy nhiên, năm nay thì hoàn toàn ngược lại, sản lượng hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp giảm gần 50% so với trước.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty cho biết: “Tất cả các hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp đều không đáp ứng kịp, làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất. Các đơn hàng xuất đi nước ngoài vì thế cũng trễ. Do vậy, bước sang quý IV/2021, Công ty hầu như không có hợp đồng nào. Công suất nhà máy cũng vì thế mà giảm theo”.

Hiện nay, một số nguyên liệu phụ ở đầu vào của Công ty tăng rất mạnh như: thùng thiếc, thùng giấy, muối rang, cước vận chuyển.... Trong đó, các sản phẩm thùng thiếc, muối đều phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Có thời điểm, giá nguyên liệu muối đã tăng lên 40% so với trước. Các đơn vị cung cấp hàng cho Công ty do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao cũng đã đẩy vào giá thành sản phẩm.

 Giá của thùng thiếc dùng đựng hạt điều rang muối xuất khẩu tăng cao, thậm chí có thời điểm khan hiếm

Giá của thùng thiếc dùng đựng hạt điều rang muối xuất khẩu tăng cao, thậm chí có thời điểm khan hiếm

Trước đây, riêng về thùng thiếc, Công ty cứ nhập hàng về và 1 tháng sẽ thanh toán 1 lần. Tuy nhiên, do khan hiếm nên hiện tại, dù đã trả tiền, đặt hàng trước nhưng vẫn không có. Trong khi đó, cước vận chuyển hàng hóa đi xuất khẩu tăng khá mạnh, từ 20-30% so với trước.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng xác nhận, cước vận chuyển hiện đều tăng khá cao, khiến chi phí phát sinh tăng thêm từ 10-15%. Riêng với các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa, mức chi phí càng tăng cao hơn so với trước.

Thêm các giải pháp hỗ trợ

Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu và xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Việc lưu thông trên địa bàn chỉ thông qua tuyến đường bộ, không có đường thủy, đường hàng không và đường sắt.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi khi lưu thông hàng hóa, trong kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, đã nhấn mạnh tới việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics.

 Chi phí đầu vào bình quân của các doanh nghiệp Đắk Nông tăng từ 10-15%

Chi phí đầu vào bình quân của các doanh nghiệp Đắk Nông tăng từ 10-15%

Theo đó, đến năm 2025, Đắk Nông sẽ đầu tư xây dựng và nâng cấp mạng lưới giao thông đến các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các tuyến đường trọng điểm phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung, khu công nghiệp, các tuyến đường quốc lộ… sẽ được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Qua đó tạo thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Cửa khẩu Đắk Puer sẽ nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế. Tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hệ thống đường biên giới, đường từ khu vực cửa khẩu vào nội địa, nhằm mở rộng hoạt động giao thương. Chất lượng phục vụ trong khâu thông quan hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu được nâng cao, để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng logistics, nhằm phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, bến bãi tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng logistics có tính đa dạng kết hợp bốc xếp, kho bãi, vận chuyển, đóng gói và hỗ trợ, đa dạng hóa các dịch vụ đi kèm…

Bài, ảnh: Lê Dung

702

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/doanh-nghiep-dau-dau-voi-chi-phi-san-xuat-90553.html