Doanh nghiệp dầu khí tìm 'cơ' trong 'nguy'

Mùa đại hội cổ đông 2020 chứng kiến sự năng động và linh hoạt của các doanh nghiệp ngành dầu khí trước những thách thức và khó khăn chưa từng có tiền lệ, nhằm tiếp tục ổn định sản xuất - kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế.

Hạ thủy thiết bị công trình biển.

Hạ thủy thiết bị công trình biển.

Tính đến giữa tháng 6, gần một nửa số doanh nghiệp ngành dầu khí đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020.

Mỗi doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng nét chung ở các doanh nghiệp ngành này là tinh thần vượt khó, phát huy bề dày văn hóa doanh nghiệp để tạo động lực cho người lao động, chủ động tìm kiếm các cơ hội để "biến nguy thành cơ”.

Ðại hội đồng cổ đông Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí (PV Power) hôm 12/6 đã thảo luận sôi nổi về chiến lược phát triển của Tổng công ty đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, đặc biệt là định hướng phát triển các dự án nguồn điện trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng.

Theo đó, PV Power đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt 6.910 MW, chiếm 7% công suất lắp đặt toàn hệ thống, sản lượng điện bình quân năm là 25 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân đạt 9%/năm.

Chắt chiu các nguồn lực và tìm kiếm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, PV Power cho biết sẽ tập trung việc đầu tư phát triển nguồn điện.

Tổng công ty đặt kế hoạch triển khai công tác đầu tư và đưa Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất 1.500 MW vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, PV Power sẽ góp vốn đầu tư vào dự án Nhà máy điện khí miền Trung 1 & 2 (1.500 MW), Nhà máy điện LNG Cà Mau 3 (công suất 1.500 MW), Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 mở rộng (400 MW), Nhà máy điện khí Quảng Ninh (1.500 MW), các dự án năng lượng tái tạo (điện áp mái), góp vốn để triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện LNG khác (công suất 3.000 MW), Nhà máy điện khí Quảng Ninh (1.500 MW).

Tổng công ty cũng đang tìm kiếm, nghiên cứu góp vốn đầu tư các dự án điện khác có hiệu quả, khả thi, mục tiêu đến năm 2035 tham gia góp vốn để đầu tư thêm 800 MW năng lượng điện tái tạo.

Trước đó, tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, kết quả sản xuất - kinh doanh của BSR trong quý I/2020 bị tổn thất nặng nề, lợi nhuận không đạt mục tiêu đề ra.

Kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 được BSR đề ra cuối năm ngoái với sản lượng 5,56 triệu tấn, doanh thu 80.685 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 7.404 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.185 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là kịch bản kinh doanh với giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Nay giá dầu đã tuột dốc và có thời điểm về dưới 20 USD/thùng, nên cần nhiều giải pháp ứng phó để nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, nhanh chóng khôi phục hiệu quả sản xuất - kinh doanh, duy trì đóng góp cho ngân sách.

Theo ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR, các giải pháp để vượt “bão kép” của dịch Covid-19 và suy giảm giá dầu gồm duy trì và đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, liên tục và ổn định ở công suất tối ưu; tập trung rà soát để cắt giảm, dừng, giãn các khoản chi phí mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuê dịch vụ; chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm của Công ty;

Thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 đảm bảo chất lượng, rút ngắn tiến độ, an toàn và giảm thiểu chi phí phát sinh; linh hoạt trong công tác mua dầu thô và bán sản phẩm; linh hoạt giữa mua dầu thô trong nước và nhập khẩu; linh hoạt về cơ chế, chính sách bán sản phẩm đảm bảo lợi ích tối đa cho Công ty;

Tối ưu hóa tỷ lệ mua, bán giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng giao ngay; tăng cường mua giao ngay dầu thô tại những thời điểm thích hợp để tận dụng tối đa cơ hội mua dầu giá thấp.

Trọng tâm trong năm 2020 của BSR là thực hiện thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại BSR, đồng thời thực hiện việc thoái phần vốn của BSR tại các đơn vị theo phương án tái cấu trúc đã được phê duyệt.

Với Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), mặc dù kết quả kinh doanh quý đầu năm khá tích cực, doanh thu tăng mạnh và lợi nhuận thuần cải thiện do hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng cải thiện lên 100%; giảm trích lập dự phòng phải thu khó đòi..., nhưng kết quả kinh doanh quý II sẽ chịu tác động không nhỏ từ chi phí hoạt động tăng và hiệu suất hoạt động thấp do lệnh hạn chế di chuyển ở các nước.

Diễn biến này đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn các phương án để đẩy nhanh các hoạt động phục hồi ngay sau dịch nhằm thúc đẩy hoạt động của các giàn khoan trở lại.

Ðây cũng là quan điểm thống nhất của Công ty mẹ PVN và các doanh nghiệp thành viên. Trong tháng 5, giá dầu thô đã có những diễn biến tích cực, giá dầu WTI vào đầu tháng 6 đã vượt 40 USD/thùng.

Theo dự báo của Wood Mackenzie và Platts, thị trường sẽ khởi sắc đáng kể từ tháng 6 hoặc tháng 7/2020. Nhu cầu năng lượng trên toàn cầu đã tăng trở lại cùng với việc mở cửa trở lại các nền kinh tế. Giới phân tích dự báo, nhu cầu nhiên liệu trên thế giới sẽ dần phục hồi từ cuối quý II năm nay.

Các hoạt động kinh tế của Việt Nam quay trở lại bình thường đang giúp các đơn vị như BSR, PVOil… đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo kế hoạch, trong quý II/2020, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 1.529.008 tấn sản phẩm xăng dầu các loại, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất khoảng 1.504.799 tấn. Tổng sản lượng hai nhà máy sản xuất khoảng 3.033.807 tấn, cao hơn khoảng 200.000 tấn so với quý I/2020.

Kết quả kinh doanh 5 tháng của PVN đã cho thấy nỗ lực lớn của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên. Trong bối cảnh các tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới đều lỗ do "khủng hoảng kép", bằng các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, Tập đoàn vẫn nỗ lực duy trì nhịp độ sản xuất - kinh doanh, đạt được kết quả khả quan so với tình hình chung.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 5 đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 4/2020, lũy kế 5 tháng đạt 237.800 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 58,6% kế hoạch tháng, tăng 13,6% so với tháng 4/2020, lũy kế 5 tháng đạt 7.100 tỷ đồng.

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, mặc dù giá dầu đã có những chuyển biến tích cực, giá dầu Brent có phiên giao dịch chạm mốc gần 40 USD/thùng, nhưng với giá thành sản xuất dầu hiện nay của PVN, dự báo tình hình kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ðể đối phó với tình hình này, PVN và các doanh nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, quyết liệt triển khai giai đoạn 2 của “Gói giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 và giá dầu suy giảm”.

Các doanh nghiệp trong Tập đoàn sáng tạo hơn, chủ động hơn trong chỉ đạo điều hành, cùng với đó phải dự báo chính xác tình hình giá dầu, thị trường để kịp thời ứng phó; tận dụng cơ hội tăng cường sản xuất, cân đối tồn kho; tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên...

Trên thị trường chứng khoán, việc giá dầu tăng trở lại cũng như nhu cầu năng lượng hồi phục đã giúp nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có những phiên giao dịch bùng nổ đầu tháng 6.

Trước đây, cổ phiếu dầu khí từng có nhiều thời gian trở thành trụ đỡ của thị trường, trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu này được kỳ vọng sẽ dần trở lại phong độ. Khi giao dịch trên thị trường thứ cấp sôi động cũng là điều kiện thuận lợi để PVN và các đơn vị thành viên đẩy mạnh kế hoạch thoái vốn, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Minh Ðức

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/doanh-nghiep-dau-khi-tim-co-trong-nguy-332061.html