Doanh nghiệp đề nghị Cục Thú y không 'khống chế' thị trường nhập khẩu sản phẩm động vật

Theo doanh nghiệp, hiện nay Bộ NN-PTNT chỉ cho các doanh nghiệp được nhập khẩu sản phẩm động vật về từ 26 thị trường. Tình trạng này đã gây rất nhiều trở ngại và hạn chế sự cạnh tranh về giá cả.

Ngày 9-5, tại Hà Nội, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị triển khai Thông tư số 04 của Bộ NN-PTNT (ban hành năm 2024) để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25 quy định về kiểm dịch đối với động vật và sản phẩm động vật.

 Quang cảnh cuộc đối thoại giữa Cục trưởng Cục Thú y với các doanh nghiệp ngày 9-5

Quang cảnh cuộc đối thoại giữa Cục trưởng Cục Thú y với các doanh nghiệp ngày 9-5

Thông tư này được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu sản phẩm động vật, nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật dùng để chế biến thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi… quan tâm lâu nay.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thuận Hưng Phát, hiện Bộ NN-PTNT cho phép doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật từ 26 quốc gia vào Việt Nam để gia công chế biến. Ông Hòa cho rằng, việc giới hạn số quốc gia mà doanh nghiệp được phép nhập khẩu sản phẩm động vật vào nội địa đã và đang gây hạn chế sức cạnh tranh về thị trường nhập khẩu của doanh nghiệp, trong khi với các sản phẩm này, nhiều doanh nghiệp nhập về chỉ để gia công rồi lại xuất khẩu.

Đại diện doanh nghiệp này đề nghị, Cục Thú y cần phải nghiên cứu cho phép thêm những quốc gia (thị trường) khác có thể được xuất khẩu vào Việt Nam để có sự cạnh tranh tốt hơn về giá cả.

Thừa nhận tình trạng nếu hạn chế số lượng quốc gia (thị trường) mà doanh nghiệp gia công chế biến được phép nhập khẩu về sẽ gây khó khăn, bất lợi cho các doanh nghiệp gia công chế biến, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, khẳng định, nếu doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu từ quốc gia nào cần có văn bản kiến nghị với Cục Thú y. Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ đàm phán về thú y với nước đó.

Nhưng theo ông Long, doanh nghiệp cũng đồng thời phải đề nghị đối tác nước xuất khẩu đề xuất với cơ quan chức năng của nước đó để cung cấp hồ sơ cho cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét, đánh giá để được công nhận xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam.

Còn theo ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật (Cục Thú y), Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 16-5. Điểm mới của thông tư này là tăng thời hạn giá trị sử dụng của giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu là 60 ngày và xuất khẩu là 180 ngày.

Thông tư yêu cầu doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-de-nghi-cuc-thu-y-khong-khong-che-thi-truong-nhap-khau-san-pham-dong-vat-post739124.html