Doanh nghiệp dệt may tiếp cận công nghệ mới để chuyển đổi xanh
Doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới để chuyển số, chuyển đổi xanh. Đó là kỳ vọng của ban tổ chức triển Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may Việt Nam 2024 (VIATT 2024) do Bộ Công Thương tổ chức. Triển lãm diễn ra từ ngày 28/2 đến 1/3.
Tham gia Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may Việt Nam 2024 có 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước với 500 gian hàng. Điểm nhấn của triển lãm này là Khu gian hàng Thương hiệu quốc gia Việt Nam với hàng may mặc, đồ dệt gia dụng, công nghệ gia công dệt và in…
Phát biểu tại triển lãm, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có khởi sắc. Đến giữa tháng 2 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đã đạt 4,9 tỉ USD, tăng 17 % so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn khó khăn.
Vì vậy, doanh nghiệp dệt may cần chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt là tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên liệu đầu vào...
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, VIATT tập hợp những nhà triển lãm, người mua bán hàng lớn trên thế giới từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm cuối, thiết kế, công nghệ… Qua đây có thể hình thành liên kết xuyên chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Các doanh nghiệp cũng tiếp cận được công nghệ mới ở Châu Âu, Mỹ giúp cho chuyển đổi số đạt các mục tiêu về sản xuất xanh.
“Bộ Công Thương cũng có rất nhiều chính sách, chỉ đạo từ Bộ đến ngành dệt may để vừa yêu cầu và hỗ trợ doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mạnh mẽ, cạnh tranh với đối thủ của mình. Bên cạnh đó, ngành dệt may phải chuyển đổi dần sang khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của ngành” - ông Vũ Bá Phú nói.