Doanh nghiệp du lịch chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 2% lãi suất
Du lịch, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch Covid-19 nhưng đến nay các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa thể tiếp cận chính sách hỗ trợ 2%, như tinh thần Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Khó cả với khoản vay thông thường
Sau hơn 2 năm đóng băng vì dịch Covid-19, doanh nghiệp du lịch đang hồi sinh khi nhu cầu của người dân tăng cao trong những tháng hè năm nay. Tuy nhiên, cơ hội này cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông Marketing TSTtourist cho biết, đang vào mùa cao điểm du lịch hè, các bên lữ hành cần nguồn tài chính lớn để đặt cọc tất cả các dịch vụ trong tour tuyến, nhưng doanh nghiệp đang tự thân vận động xoay sở nguồn tiền. “Tiếp cận khoản vay lãi suất thông thường đã khó, nói gì đến gói vay hỗ trợ 2% lãi suất” - ông Mẫn cho biết.
Cái khó này không chỉ cá biệt với TSTtourist, theo ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam cho biết, từ khi phục hồi hoạt động sau dịch Covid-19, doanh nghiệp chỉ được giải ngân duy nhất một khoản chưa đến 5% so với hồ sơ vay vốn gửi đến ngân hàng.
“Ngân hàng đưa ra lý do rằng ngay cả với khoản vay thông thường đã hết room tín dụng. Còn về gói hỗ trợ 2% lãi suất như Nghị định 31 của Chính phủ thì ngân hàng nào cũng nói chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước, nhưng không biết chờ đến bao giờ” - ông Luân nói.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, chưa có doanh nghiệp nào trong hiệp hội tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Tự xoay sở sau đại dịch, doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm mới nhằm đón đầu du khách quốc tế, khi thị trường khôi phục hoàn toàn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, không chỉ vốn để duy trì, vận hành, củng cố chất lượng dịch vụ các chương trình cho du khách nội địa, mà cần phải đẩy mạnh tương tác với các đối tác truyền thống, xúc tiến kết nối tìm thị trường mới.
Chậm nhịp phục hồi so với khu vực
Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam ấp ủ kế hoạch phát triển mở rộng nhưng bài toán vốn khiến đơn vị này rơi vào bế tắc.
Sau thành công mô hình buýt đỏ 2 tầng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, doanh nghiệp muốn phát triển mô hình đến Đà Nẵng, Nha Trang và Đà Lạt, đồng thời tăng đội xe buýt đỏ hai tầng tại TP. Hồ Chí Minh. Để thực hiện kế hoạch này, tại mỗi địa phương cần đầu tư ban đầu ít nhất 50 tỷ đồng cho phương tiện vận chuyển, hạ tầng điểm dừng, nhà chờ, các quầy thông tin du lịch nhưng không có vốn nên tất cả còn nằm trên kế hoạch.
"Ngân hàng cân nhắc bằng những điều kiện rất khó. Sau đại dịch thì họ yêu cầu doanh nghiệp phải có thế chấp bằng bất động sản (BĐS). Doanh nghiệp không có BĐS, mà thế chấp bằng BĐS của cá nhân thì không đúng quy định. Chúng tôi vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải hành khách thì theo quy định có thể thế chấp bằng chính phương tiện đó” - ông Luân nói.
Theo ông Luân, nếu các ngân hàng “cát cứ” như vậy, thì doanh nghiệp du lịch không mở rộng được kế hoạch kinh doanh, dẫn đến chậm phục hồi nền kinh tế du lịch.
Theo ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển táo bạo, nhưng chưa tìm được hướng triển khai cũng chỉ vì nút thắt dòng tiền.
Nghiên cứu lộ trình phát triển và cam kết của Chính phủ với quốc tế đưa phát thải ròng về bằng 0, ông Nguyễn Khoa Luân nghĩ ngay đến việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng nhiên liệu điện.
“Tôi tìm hiểu mô hình xe buýt điện ở một số quốc gia thấy rất phù hợp với điều kiện của nước ta, muốn nhập ngay xe buýt điện về khai thác, nhưng câu chuyện lại không đơn giản như mình nghĩ. Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn doanh nghiệp nhập loại hình phương tiện như vậy, nhập về thì đánh thuế ra sao, chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp khi mà giá thành những chiếc xe buýt điện đang nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp. Vốn thì không tiếp cận được, cơ chế thì chưa có, mình thực sự bế tắc” - ông Luân nói.
Ông Luân cho rằng, các bộ, ngành cần tham mưu kịp thời cho Chính phủ những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đi đầu chuyển đổi, đồng hành với Chính phủ thực hiện cam kết giảm phát thải ròng.
Còn ông Nguyễn Minh Mẫn cũng trông chờ sự vào cuộc của các bộ, ngành trong đánh giá, dự báo trước tình hình, tham mưu cho Chính phủ nếu thuế phí nào có thể điều tiết thì ưu tiên giải quyết, mở đường cho doanh nghiệp trước khi tình huống khó khăn xảy ra. Theo ông Mẫn, điều này thiết thực hơn gói hỗ trợ 2% lãi suất.
Nhìn sang các nước trong khu vực, ông Nguyễn Khoa Luân cho rằng, chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch sau Covid-19 của nước ta triển khai chậm hơn, lãi suất vay cao hơn, điều đó mất đi tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với khu vực.
Thực tế, Chính phủ rất quyết tâm phục hồi kinh tế qua các chính sách điều hành vĩ mô, nhưng tình trạng “trên thông, dưới tắc” như quá trình triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất hiện nay sẽ khiến các chương trình hỗ trợ phục hồi không còn mang ý nghĩa tạo động lực kích thích nền kinh tế phát triển.