Doanh nghiệp du lịch Hà Nội thích ứng tình hình mới

Mặc dù thị trường du lịch hồi phục nhưng theo đánh giá của các DN, khách du lịch đến với Thủ đô trong nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng nhưng các DN vẫn trong quá trình phục hồi và đối mặt với những thách thức mới.

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch cả nước nói chung, thủ đô Hà Nội nói riêng đang có sự phục hồi nhanh chóng. Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 3,042 triệu lượt, tăng 36,9% (cùng kỳ tăng 46,5%). Với những kết quả tích cực, ngành du lịch Hà Nội góp phần khẳng định vị thế của Thủ đô là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Trong số lượng khách du lịch đến Hà Nội, khách quốc tế đạt 2,150 triệu lượt, tăng 48,4%; khách nội địa đạt 892 nghìn lượt, tăng 15,4%. Nhờ lượng khách du lịch tăng cao, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp đổi mới dịchvụ để thu hút khách du lịch

Doanh nghiệp đổi mới dịchvụ để thu hút khách du lịch

Mặc dù thị trường du lịch hồi phục nhưng theo đánh giá của các DN, mặc dù khách du lịch đến với Thủ đô trong nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng nhưng các DN vẫn trong quá trình phục hồi và đối mặt với những thách thức mới. Theo các chuyên gia, để ứng phó với tình hình mới, thì nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho doanh nghiệp lúc này là cần phải “tồn tại” trước , rồi mới từng bước phục hồi. Cách tốt nhất chính là nâng cao khả năng thích nghi cho doanh nghiệp của mình, nhằm tận dụng những yếu tố thuận lợi và khắc phục những thách thức khó khăn đang diễn ra.

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội chia sẻ, sau khi đại dịch Covid đi qua, đa phần doanh nghiệp đều kì vọng vào sự hồi phục toàn diện của nền kinh tế nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Tuy nhiên, sự hồi phục này gần như là không đáng kể so với những thách thức và nguy cơ mới phát sinh. Theo đó, để phát triển thị trường, giữ chân khách hàng, cải thiện năng lực thích nghi cho doanh nghiệp du lịch cần bắt tay liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng nhằm tạo ra trải nghiệm khách hàng đặc biệt. Theo bà Ngần, với sự phát triển của công nghệ số, việc tiếp cận thông tin tại điểm đến và các dịch vụ đi kèm đã dễ dàng hơn cho du khách , kích thích tiêu dùng. Nhưng mặt trái là vấn đề đảm bảo chất lượng dịch vụ, tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất thì còn nhiều vướng mắc và hạn chế. Bởi vậy, khi các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có sự liên kết chặt chẽ nhằm tạo ra cho khách hàng dịch vụ đồng bộ, đúng cam kết, đúng mong đợi và thuận tiện… sẽ để lại cho du khách ấn tượng cảm xúc tốt nhất. Từ đó, tăng niềm tin cho du khách, loại bỏ những đối tượng chộp giật và thiếu bền vững ra khỏi thị trường. Niềm tin và cảm xúc tăng, thì hành vi tiêu dùng của du khách sẽ theo đó mà thay đổi tích cực và hào phóng hơn. Bên cạnh đó, cần phải quản lý thị trường du lịch và quản trị chất lượng dịch vụ , quản trị thương hiệu tốt. Để duy trì được chất lượng phục vụ, cũng như đảm bảo củng cố thương hiệu trong mắt du khách, thì đầu tiên phải kể đến sự tham gia vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Kiên quyết loại bỏ những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chộp giật, giả mạo thương hiệu, bán hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp có đầu tư bài bản và tuân thủ đúng pháp luật, đúng đạo đức kinh doanh.

Hiện nay, với tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh bất ổn, dịch bệnh khắp nơi… thì du khách sẽ lựa chọn những sản phẩm, điểm đến, hành trình, đơn vị cung ứng mang tính bền vững và có giá trị nâng cao chất lượng môi trường. Để đáp ứng được yêu cầu rất cao này, thì doanh nghiệp cần chú trọng đến xu hướng liên kết chặt chẽ, chọn lọc các đơn vị trong chuỗi cung ứng một cách đồng bộ, mang tính thống nhất, tương đồng. Hay có thể nói là cần đồng bộ được: sản phẩm du lịch Xanh, Tư duy phát triển anh của điểm đến, Hành động Xanh của những người làm du lịch, cung ứng dịch vụ Xanh từ các nhà cung ứng dám cam kết và có dịch vụ Xanh. Bà Nhữ Thị Ngần khẳng định, để làm được những điều trên, cần đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu và sàng lọc, đánh giá xu thế tiêu dùng của du khách, từ đó có hành động đồng bộ để tạo ra sản phẩm dịch vụ cuối trao cho khách hàng là phù hợp, tối ưu và có chất lượng cao.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, để thu hút khách du lịch, thời gian qua Hà Nội đã liên tục đa dạng hóa hoạt động từ văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật đến thiên nhiên, giúp du khách có cơ hội khám phá và tận hưởng Hà Nội theo nhiều cách khác nhau. Cùng với đó, tận dụng tài nguyên du lịch từ các làng nghề, điểm du lịch sẵn có trên địa bàn. Đồng thời Hà Nội cũng phát triển rất nhiều tour đặc biệt như khám phá các di tích lịch sử, văn hóa ban ngày lẫn ban đêm, hành trình du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Hà Nội... Đặc biệt ngành Du lịch Thủ đô đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách. Sở cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, du lịch Hà Nội đang từng ngày thay đổi theo tình hình mới để bắt nhịp xu thế của khách du lịch. Bên cạnh những hoạt động du lịch hấp dẫn của Thủ đô, các DN trong ngành du lịch cũng cần nhanh chóng thích nghi, tích cực đổi mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng khách du lịch một cách tốt nhất.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-du-lich-ha-noi-thich-ung-tinh-hinh-moi-152972.html