Doanh nghiệp Đức dứt áo khỏi TQ, còn tôm hùm Australia chưa có lối ra
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nước muốn giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc, nhưng giảm tới mức nào là điều cần được tính toán kỹ lưỡng.
Nhật Bản đã dành ra 2,2 tỷ USD để giúp các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các bộ trưởng thương mại châu Âu đã nhấn mạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số nước, bao gồm Australia và Đức, đã có động thái ngăn không cho Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp trong thời hậu dịch. Chính quyền Trump muốn tiếp tục “phân ly kinh tế” khỏi Bắc Kinh.
Nhưng bên ngoài chính phủ, ở các doanh nghiệp, là nơi thực sự ra các quyết định về sản xuất và bán hàng, các toan tính không đơn giản như thế.
Việc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hay đa đạng hóa sản xuất không hề dễ dàng. Để hiểu rõ hơn các phản ứng và dự tính của doanh nghiệp, New York Times đã phỏng vấn ba công ty ở ba quốc gia dựa nhiều vào Trung Quốc. Trải nghiệm của họ khác nhau, nhưng họ đều đang cố xác định xem nên rời khỏi Trung Quốc ở mức nào, và liệu họ có đủ khả năng làm vậy hay không.
Tôm hùm Australia chưa tìm được lối ra
“Khi mọi thứ bắt đầu, chúng tôi nghĩ, ‘Liệu có thể đi đâu nhỉ?’”, Fedele Camarda, một ngư dân ba đời đánh bắt tôm hùm ở bờ phía tây Australia, bán hàng chủ yếu sang Trung Quốc, nói với New York Times.
“Rồi thì thế giới cũng bị nhiễm virus corona, và Trung Quốc lại là nước hồi phục trở lại”, ông nói. “Mặc dù Trung Quốc chỉ là một thị trường... họ là một thị trường rất lớn”.
Từ khoảng năm 2000, Trung Quốc bắt đầu mua nhiều tôm hùm hơn của Australia. Đến đầu năm nay, 95% tôm hùm Australia được bán sang Trung Quốc.
“Chúng tôi bàn về các chiến lược khác nhau để vượt qua vấn đề này, để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Camarda nói. “Nhưng chúng tôi chưa tiến hành được”.
Khi Trung Quốc ngừng mua hàng vì dịch Covid-19, các đội tàu đánh bắt tôm hùm dọc bờ tây của Australia - toàn bộ 234 tàu - phải dừng khai thác. Hơn 2.000 người bị mất việc.
Họ cố gắng đa dạng hóa ngay lập tức, gọi cho mọi đối tác trước đây. Họ nhờ chính phủ Australia trợ giúp. Nhưng tất cả đều không giúp được cho ông Camarda. Các thuyền đánh bắt bạch tuộc vẫn không thể ra khơi suốt tháng 2, tháng 3 và tháng 4.
Ông Camarda chỉ có thể ra khơi trở lại cách đây một tháng. Các đơn hàng đang quay trở lại từ Trung Quốc, với giá bằng khoảng một nửa hồi tháng 1. Lượng đặt hàng không nhiều, nhưng ngành tôm hùm Australia vẫn tập hợp lại để bán hàng tiếp sang Trung Quốc, thay vì tìm hướng khác.
Vận chuyển hàng gặp khó khăn khi các máy bay dân dụng vốn chở lượng hàng lớn phải dừng bay. Chính phủ Australia phải can thiệp, với khoảng 70 triệu USD trợ giá thuê chuyến bay để chở tôm hùm xuất khẩu.
Bất chấp các kêu gọi đa dạng hóa, bất chấp các động thái của Trung Quốc nhắm vào lúa mạch và bò xuất khẩu Australia, Australia hiện chưa thể rời bỏ thị trường Trung Quốc. Chính phủ nước này lại trợ giá cho các nỗ lực quay lại thị trường.
Bóng đèn Đức: Không kỳ vọng Trung Quốc nữa
Lần gần nhất mà công nghiệp Đức gặp khủng hoảng, Trung Quốc như chiếc phao cứu sinh. Thị trường tăng trưởng nhanh của Trung Quốc và nhu cầu dùng công nghệ phương Tây giúp ngành xuất khẩu của Đức bật dậy nhanh chóng từ suy thoái một thập kỷ trước.
“Năm 2008, có hai thị trường mà tôi chạy đến: Trung Quốc và Trung Đông”, Olaf Berlien, giám đốc điều hành của Osram, một trong những công ty thiết bị ánh sáng lớn nhất thế giới trụ sở ở Munich, nói với New York Times.
Nhưng lần này, ông không kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ cứu lấy công nghiệp của Đức một lần nữa.
“Trung Quốc vẫn là một thị trường”, ông Berlien nói, “nhưng không còn là thị trường tăng trưởng nữa”.
Osram đã nhìn nhận không còn lạc quan về Trung Quốc từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Chẳng hạn, doanh số bán xe hơi đã giảm vào năm 2019 sau nhiều năm tăng trưởng hai chữ số, đa phần vì chiến tranh thương mại với Mỹ.
Vấn đề ở đây là không có thị trường khác thế chỗ Trung Quốc là động cơ tăng trưởng của thế giới. Ấn Độ có tiềm năng, nhưng quá thiếu quy củ, theo ông Berlien. Các nước Trung Đông như Saudi Arabia và Qatar không còn giàu nữa khi mà giá dầu thô đã sụp đổ.
Cách nhìn của Osram về Trung Quốc phản ánh sự hoài nghi nói chung của châu Âu về Trung Quốc. Phil Hogan, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu, kêu gọi cần thảo luận về việc “tự lực một cách chiến lược”, nhắc lại các lo ngại của các nước Đức và Pháp.
Osram có bốn công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng ở Trung Quốc, nhưng công ty này sản xuất các thiết bị phức tạp hơn ở Malaysia, Đức và Mỹ vì Trung Quốc thiếu các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ.
“Trung Quốc không còn là ‘bàn làm việc’ của thế giới”, ông Berlien nói.
Ông nói công ty của mình và các công ty khác ở Đức đã học được từ các khủng hoảng trước, là phải bảo vệ mình khỏi gián đoạn chuỗi cung ứng, và nên có ít nhất hai nhà cung cấp mỗi linh kiện hay nguyên liệu.
Ông nói Osram chưa có kế hoạch giảm sản xuất ở Trung Quốc, nhưng dịch Covid-19 khiến các công ty tìm kiếm các nhà cung cấp gần nhà hơn.
“Tôi nói chuyện với nhiều quản lý và CEO ở Đức rằng chúng tôi phải tái tư duy về hậu cần và chuỗi cung ứng”, ông Berlien nói.
Toilet xa xỉ Nhật Bản được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng
Công ty Toto làm ra sản phẩm mà giới giàu có mới nổi của Trung Quốc rất muốn: toilet bằng điện, có ghế ấm, vòi phun, nắp tự động.
Toto là nhà sản xuất toilet lớn nhất ở Nhật Bản, mở văn phòng ở Bắc Kinh vào năm 1985 và sau đó là 7 nhà máy ở Trung Quốc. Trung Quốc chiếm nửa doanh số bán hàng ở nước ngoài của Toto vào năm ngoái.
Ngay cả khi các dây chuyền sản xuất của Toto phải đóng cửa ở Trung Quốc do dịch Covid-19, công ty này chưa cân nhắc rút khỏi Trung Quốc - một thị trường khổng lồ, với tỷ lệ sở hữu nhà cao, và thu nhập đang lên. Đây cũng là nơi mà công nhân có đủ các kỹ năng mà Toto cần.
“Trung Quốc gần với Nhật Bản, và có sức mạnh của một dân số đông”, Sonoko Abe, người phát ngôn của Toto, cho biết.
Nhiều công ty Nhật Bản chỉ đang tính khả năng rời Trung Quốc một cách rất cầm chừng, bất chấp các hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền Tokyo.
Nhà sản xuất khẩu trang Iris Ohyama, chẳng hạn, có nhà máy ở Đại Liên và Tô Châu (Trung Quốc), sản xuất hàng cho cả thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Công ty này đang nhận hỗ trợ của chính phủ Nhật để mở sản xuất ở Nhật Bản, cung cấp cho thị trường trong nước và có thể là Pháp và Mỹ.
Nhưng công ty này không có kế hoạch dừng sản xuất ở Trung Quốc. “Chúng tôi nghĩ thị trường Trung Quốc rất quan trọng về lâu dài”, Atsuko Kido, người phát ngôn công ty này, cho biết.
Chưa kể, Trung Quốc có thể sẽ là một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng được trong năm 2020, trong khi Mỹ và khối đồng euro sẽ giảm GDP lần lượt là 6% và 7,5%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.