Doanh nghiệp Đức ở thế 'ngàn cân treo sợi tóc', phải viết thư cầu cứu Thủ tướng
Các doanh nghiệp bán lẻ tại Đức yêu cầu Thủ tướng giúp đỡ vì tình thế 'ngàn cân treo sợi tóc' của họ khi lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài đến cuối tháng 1.
Các cửa hàng bán lẻ tại các bang Hamburg, Schleswig-Holstein và Meckelnburg-Vorpommern đang lâm vào tình cảnh khó khăn do không có khách mua hàng. Các khu du lịch biển của bang Mecklenburg-Vorpommern cũng "ế ẩm“ hàng tháng trời do lệnh cấm người dân tham quan, du lịch tại những vùng có dịch bệnh.
Trong lĩnh vực may mặc, hàng loạt quần áo mùa đông bị tồn kho. Các chủ cửa hàng chỉ còn cách bán hạ giá vào mùa đông năm sau nhằm thu về vốn. Ngoài ra, nhiều cửa hàng không thể trả tiền thuê mặt bằng hoặc chỉ trả một phần. Một chủ cửa hàng cho biết: “Chúng tôi đang trong tình trạng nợ nần và có nguy cơ phá sản.”
Viết thư cầu cứu Thủ tướng
Nhằm cải thiện tình hình, Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) đã viết một bức thư cầu cứu Thủ tướng Angela Merkel. Trong bức thư, hiệp hội yêu cầu chính phủ nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ để giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành. Nội dung bức thư như sau: “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đã hứa hẹn về gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro nhưng các cửa hàng bán lẻ không nhận được một khoản tiền trợ cấp nào. Chúng tôi mong Thủ tướng Merkel và Phó Thủ tướng Scholz hãy giữ đúng lời hứa và nhanh chóng triển khai các gói viện trợ".
Hiệp hội cũng gửi một lá thư tới Phó thủ tướng Olaf Scholz với nội dung: “Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng về tình hình khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và yêu cầu ông cũng như Chính phủ liên bang cung cấp các gói cứu trợ. Nhưng ông đã làm ngơ trước lời kêu cứu của chúng tôi. Vậy nên chúng tôi yêu cầu ông hãy giữ đúng lời hứa và đảm bảo các doanh nghiệp bán lẻ sẽ nhận được tiền hỗ trợ trong tháng 1!”
Ông Dierk Böckenholt, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại chi nhánh phía Bắc kiêm chủ sở hữu chuỗi cửa hàng trên toàn miền Bắc nước Đức đã ví tình hình ngành bán lẻ hiện nay như “ngàn cân treo sợi tóc”. Riêng trong năm 2020, ngành bán lẻ (không bao gồm các cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm) ghi nhận mức sụt giảm 36 tỷ euro do hậu quả của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nhận được gói viện trợ trị giá 90 triệu euro vào cuối tháng 12/2020 – tương đương với 0.25% số tiền tổn thất. Ông Böckenholt ví khoản viện trợ này như một “giọt nước giữa đại dương”.
Giải pháp tạm thời
Điều kiện tiên quyết để nhận được gói hỗ trợ là doanh số bán hàng trong tháng 12 phải sụt giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Ông Böckenholt cho rằng điều kiện này rất vô lý bởi doanh số bán hàng chỉ giảm mạnh sau khi nước Đức áp dụng lệnh phong tỏa vào ngày 16/12. Vậy nên việc xét điều kiện nhận hỗ trợ dựa trên doanh số bán hàng trong cả tháng 12 là không công bằng. Một số cửa hàng đã gặp phải tình huống này do cửa hàng vẫn thu được lợi nhuận nhờ giảm giá một số mặt hàng.
Hiện nay, các cửa hàng chỉ có thể tìm kiếm hỗ trợ từ gói viện trợ bắc cầu 3. Gói viện trợ này giúp cửa hàng chi trả các chi phí cố định như tiền thuê nhà, thuế tài sản, tiền bảo hiểm. Chủ cửa hàng phải tự trả lương cho nhân viên và mỗi nhân viên chỉ nhận được 60-67% tiền lương thực tế. Các chủ cửa hàng cho biết số tiền tiết kiệm của họ đã cạn kiệt và không biết sẽ xoay sở như nào trong thời gian sắp tới.
Khi các cửa hàng ở Đức bị buộc phải đóng cửa, nhà nước sẽ phải trả cho họ tiền trợ cấp hoạt động. Hiệp hội bán lẻ Đức đã đề xuất chính phủ gộp tiền trợ cấp chi phí cố định vào khoản trợ cấp này để giúp các cửa hàng tránh khỏi thủ tục đăng ký nhận viện trợ mất thời gian.