Doanh nghiệp Đức và Pháp phá sản ở mức kỷ lục
Số vụ doanh nghiệp phá sản ở Đức trong quý IV/2024 lên tới 4.215, mức cao nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, khoảng 66.420 doanh nghiệp Pháp rơi vào tình trạng vỡ nợ trong năm 2024, một con số chưa từng thấy ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 xảy ra.
Bức tranh kinh tế ảm đạm chưa từng có
Dữ liệu do báo Les Echos cung cấp cho thấy, trong năm 2024 khoảng 66.420 công ty Pháp vỡ nợ khiến 260.000 người rơi vào tình trạng thất nghiệp, chật vật mưu sinh giữa tình hình vật giá leo thang chóng mặt. Số doanh nghiệp bị phá sản này được các chuyên gia nhận định là khủng khiếp nhất trong lịch sử, ngay cả khi trong thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 cũng chưa từng có nhiều doanh nghiệp bị sụp đổ đến vậy.
Tại nước Đức, tình trạng cũng không khá khẩm hơn là bao. Tổng cộng có 4.215 vụ phá sản doanh nghiệp trong quý IV/2024, ảnh hưởng đến gần 38.000 việc làm - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào giữa năm 2009. Con số này tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy những thách thức kinh tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Viện Nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) cho rằng số vụ phá sản doanh nghiệp gia tăng một phần là do kết thúc nhiều năm lãi suất cực thấp và việc chấm dứt các khoản trợ cấp của chính phủ cho doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vốn trước đây đã duy trì được tỷ lệ phá sản ở mức thấp bất thường.
Năm 2024, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất như: lãi suất cao, nhu cầu yếu vì “phần lớn tăng trưởng kinh tế đến từ ngoại thương và nhu cầu công vốn chủ yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn”, ông Alain Tordjman, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Hiệp hội Ngân hàng nhân dân và quỹ tín dụng Pháp (BPCE), cho biết. Trong khi đó, chi phí sản xuất tiếp tục tăng, dẫn đến việc trả các khoản vay được nhà nước bảo lãnh (PGE) được cấp trong thời kỳ đại dịch trở thành gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, những yếu tố khác như sự bất ổn chính trị tại Đức và Pháp, cùng các áp lực của môi trường quốc tế trở thành những cú giáng trời đánh khiến tình hình suy thoái kinh tế tại các nước này lại càng trở nên trầm trọng.
Áp lực gia tăng cho toàn khu vực châu Âu
Số lượng vụ phá sản doanh nghiệp gia tăng tại Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất của châu Âu - có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đối với khu vực châu Âu nói chung.
Đầu tiên có thể kể đến đó là sự suy giảm kinh tế toàn khu vực. Với vai trò trụ cột kinh tế tại khu vực châu Âu, Đức và Pháp phá sản có thể ngay lập tức làm giảm tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực, gây suy thoái hoặc kéo dài. Khi doanh nghiệp phá sản, thị trường lao động bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ khiến sức mua của người tiêu dùng giảm gây ra áp lực lớn lên ngân sách nhà nước, đồng thời tạo đà cho suy thoái kinh tế trượt dài và mở đường cho lạm phát gia tăng.
Tiếp đến, việc các doanh nghiệp đồng loạt phá sản có thể gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính của Pháp và Đức, cũng như các nước trong khu vực châu Âu. Việc phá sản khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính dễ lâm vào tình cảnh gia tăng nợ xấu. Điều này có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và gây bất ổn trên thị trường vốn. Những nước phụ thuộc vào Đức và Pháp trong thương mại, đầu tư hoặc hỗ trợ tài chính như Ý, Tây Ban Nha hoặc Đông Âu sẽ phải nhanh nhạy tìm cho mình hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế nếu không muốn bị kéo vào vũng lầy suy thoái kinh tế.
Bất ổn chính trị ở Đức và Pháp kết hợp với các vụ phá sản có thể khiến môi trường đầu tư tại các nước này trở nên rủi ro hơn bao giờ hết như khả năng thay đổi chính sách đột ngột, chi phí kinh doanh cao hơn, và nguy cơ mất mát tài sản. Điều này khiến môi trường đầu tư tại Đức và Pháp trở nên kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế và nội địa. Điều này có thể dẫn đến việc trì hoãn hoặc giảm quy mô đầu tư dòng vốn nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân trong khu vực. Nếu dòng vốn đầu tư sụt giảm, Đức và Pháp có thể mất cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lực sản xuất, khiến họ khó cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Ngoài ra, việc dòng FDI giảm không chỉ khiến nền kinh tế Đức và Pháp bị lung lay mà nền kinh tế của toàn khu vực châu Âu cũng sẽ bị suy thoái. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia khác trong khu vực phải tìm những chỗ dựa mới chắc chắn từ bên ngoài như Trung Quốc hay Mỹ, gia tăng nguy cơ mất đoàn kết khu vực.
Cuối cùng, khi Đức và Pháp, hai quốc gia chiếm phần lớn GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đóng vai trò trung tâm trong việc ổn định chính sách tài chính, thương mại và đầu tư trong khu vực, gặp rắc rối thì tương lai của đồng Euro cũng không mấy sáng. Thậm chí, đồng tiền chung châu Âu sẽ phải chuẩn bị sẵn cho kịch bản xấu nhất khi nhà đầu tư toàn cầu có thể mất niềm tin trầm trọng, buộc họ phải chuyển sang các loại tài sản an toàn hơn, như đồng USD, đồng yên Nhật hoặc vàng. Kết quả là, nhu cầu đối với đồng euro giảm, khiến giá trị của nó suy yếu trên thị trường ngoại hối.
Sự gia tăng số vụ phá sản doanh nghiệp tại Đức và Pháp không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn là mối lo chung của châu Âu. Để giảm thiểu tác động, EU và các quốc gia thành viên cần phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện niềm tin đầu tư, và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế trong bối cảnh bất ổn chính trị.