Doanh nghiệp được bảo đảm có lợi nhuận khi tham gia sàn giao dịch hàng hóa
Một trong những lợi ích cho doanh nghiệp khi tham gia sở giao dịch hàng hóa là đảm bảo lợi nhuận bất chấp những biến động của thị trường.
Chiều ngày 12-1, đã diễn ra hội thảo "Mua bán qua sở giao dịch hàng hóa - Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận" do Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá với sàn giao dịch hàng hóa thì doanh nghiệp có thể giao dịch nhanh chóng bằng phương thức điện tử nên chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới, cũng như yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể tham gia kinh doanh, đầu tư hàng hóa phái sinh.
Tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam được Bộ Công Thương thành lập 2010. Với Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ, hành lang pháp lý cho các hoạt động mua bán theo hình thức này đã thực sự thông thoáng như các sàn giao dịch quốc tế. Do vậy, hoạt động giao dịch thông qua Sở Giao dịch dịch hàng hóa trong những năm gần đây đã có nhiều biến chuyển.
Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có 26 mặt hàng thuộc năm nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Tính đến hết tháng 8-2023 đã có hơn 30 ngàn tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Thống kê của 8 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Gia Cát Lợi, thành viên Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, tham gia sàn giao dịch hàng hóa, nhà đầu tư và doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận bất chấp những biến động của thị trường. Thời gian giao dịch hàng hóa linh hoạt, thanh khoản cao và nhanh chóng. Đặc biệt, nhà đầu tư không chịu nhiều rủi ro về tồn kho hàng hóa khi giao dịch trên sàn.
Tuy có nhiều lợi ích nhưng sàn giao dịch hàng hóa cũng còn một số điểm cần khắc phục. Cụ thể, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam chưa thực sự hoàn chỉnh như các nước khu vực. Do đó, sở chưa phát huy thế mạnh của trong việc phát triển nông nghiệp và tạo lợi ích cho nông dân, công ty sản xuất nông nghiệp. Sở Giao dịch hàng hóa chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường. Do đó, ông Hiển cho rằng cần có nhiều bước tiến nâng cấp để phù hợp hơn với thị trường chung thế giới.
Hội thảo cũng ghi nhận thêm nhiều đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp để có thể thúc đẩy hơn nữa hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nhất là với những nhóm hàng hóa chuyên biệt mà Việt Nam có thế mạnh.
Thanh Dung