Doanh nghiệp ebook Việt sẵn sàng ứng dụng AI trong xuất bản, tiếp thị

Đại diện một số đơn vị xuất bản chia sẻ luôn chú trọng cập nhật các công nghệ mới nhất bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) vào các khâu sản xuất nếu đảm bảo chất lượng nội dung.

Trên thế giới, AI đã có mặt và đồng hành cùng lực lượng báo chí trong nhiều năm qua, tiêu biểu có thể kể đến Heliograf của The Washington Post, NewsWhip của Associated Press hay AI-Editor của New York Times... Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất bản sách, nhất là khâu sáng tác, AI chưa thực sự nổi bật cho đến khi ChatGPT phát triển bùng nổ và được biết đến rộng rãi.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất bản đã hòa cùng xu thế, cập nhật và ứng dụng AI trong các khâu sản xuất, biên tập... ấn phẩm.

AI hỗ trợ phân tích, đề xuất, sáng tạo nội dung

Theo chia sẻ của đại diện từ các đơn vị xuất bản có sử dụng AI, công nghệ này đã được đưa vào ứng dụng để phân tích, đề xuất, sáng tạo, tổng hợp, biên tập và sản xuất nội dung trong cả lĩnh vực xuất bản báo chí và xuất bản sách.

Ông Đinh Trần Tuấn Linh - đại diện từ Sakédemy Publixinh, một startup về xuất bản có sự hỗ trợ bởi AI - cho biết hiện nay một số tòa soạn báo chí trong nước đang cùng xây dựng một định nghĩa mới về tòa soạn hội tụ với AI ở vị trí trung tâm: AI-Newsroom. Tòa soạn hội tụ này không chỉ dừng lại ở viết bài, dựng video hay xuất bản tin tức tự động, mà còn có năng lực hỗ trợ biên tập viên đưa ra quyết định và gợi ý tin tức.

Ông đồng thời nhấn mạnh, hệ thống này không nhằm thay thế con người, mà đưa quyết định của con người vào trung tâm của hệ thống. Ông Tuấn Linh cũng lạc quan chia sẻ về các thành phẩm đã có đến nay của AI-newsroom: khi ứng dụng và thử nghiệm tại một số tòa soạn lớn, một số sản phẩm (bài viết, audio, video,..) xuất bản đều đặn trong ít nhất 2 năm mà không có bất cứ phản hồi tiêu cực nào.

Về xuất bản, đơn vị của ông đang xây dựng một nền tảng AI-Editor giúp biên tập viên tăng chất lượng và năng suất trong việc xử lý, mở rộng bản thảo. Đặc biệt, một số cuốn sách đầu tiên do AI viết, mở rộng, hay hỗ trợ biên tập đã được xuất bản ra thị trường, với các nhà xuất bản khác nhau và nhóm đối tượng độc giả khác nhau.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Waka - cho biết AI đã có mặt trong một số khâu sản xuất của công ty: công nghệ text to speech (chuyển đổi văn bản thành giọng nói) dùng nhiều trong sách nói, ứng dụng sinh ảnh (hỗ trợ trình bày bìa, banner và vẽ banner), ứng dụng nhiều trong xử lý video (sách video), lọc từ khóa nhạy cảm, đánh giá nguồn nội dung bản quyền gốc.

 AI có thể kết nối sách hay với đúng bạn đọc tiềm năng. Ảnh: Thanh Trần.

AI có thể kết nối sách hay với đúng bạn đọc tiềm năng. Ảnh: Thanh Trần.

Bên cạnh khâu sản xuất, AI còn có thể trở thành công cụ đắc lực trong việc phân tích tiềm năng sản phẩm là sách và đối tượng khách hàng là các độc giả đa dạng sở thích.

Theo đó, ông Đinh Quang Hoàng nhìn thấy hai tình huống: hoặc là đơn vị xuất bản có những nội dung đặc sắc, thu hút nhưng người đọc tiềm năng không biết đến; và ngược lại khi đơn vị xuất bản có trong tay tập khách hàng tiềm năng, nhưng lại không có những nội dung đáp ứng nhu cầu của họ.

Sự hỗ trợ của AI có thể giúp giải quyết bài toán trên đây, đưa sản phẩm phù hợp đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng.

AI chưa thể thay thế vai trò của con người

Ông Nguyễn Khánh Dương - Giám đốc Comicola, đơn vị đang thực hiện sản phẩm Comicola Ebook - và ông Đinh Quang Hoàng đều chia sẻ tâm niệm của doanh nghiệp là lấy công nghệ làm ưu thế cạnh tranh, theo đó sẽ sẵn sàng ứng dụng AI hay các tiến bộ công nghệ khác vào các hoạt động sản xuất, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, hai ông cũng chia sẻ những hạn chế hiện tại của công cụ AI. Đơn cử ông Hoàng cho biết chưa thể ứng dụng AI nhiều trong việc lọc từ khóa nhạy cảm vì biên tập vẫn phải hậu kiểm. Ngoài ra, ông đưa ra ví dụ khi ứng dụng AI trong việc thẩm định và chấm điểm, đánh giá nguồn nội dung bản quyền gốc để đưa ra quyết định mua bản quyền tác phẩm.

Bước đầu, cần có biên tập đọc sơ bộ văn bản và lựa chọn từ lượng truyện khổng lồ phát hành mỗi tháng. Biên tập viên mới sẽ cần thời gian thích nghi mới có thể lựa chọn như biên tập viên kỳ cựu. Do đó, doanh nghiệp phải mô hình hóa tất cả hành động và thói quen của biên tập viên, sau đó mỗi ngày chọn ra danh sách rút gọn những tác phẩm có khả năng biên tập viên kỳ cựu sẽ chọn nhất. Điều này một mặt làm tăng tốc độ lựa chọn, nhưng cũng tạo ra “lối mòn” trong gu đọc truyện.

 Doanh nghiệp ebook sẵn sàng ứng dụng công nghệ AI. Ảnh: Karen Kingston.

Doanh nghiệp ebook sẵn sàng ứng dụng công nghệ AI. Ảnh: Karen Kingston.

Ông Nguyễn Khánh Dương cho biết hiện tại các sản phẩm do AI tạo ra chưa thể sử dụng trong bất cứ sản phẩm nào của công ty vì cả lý do về tiêu chuẩn chất lượng nội dung lẫn sự minh bạch về pháp lý.

Tuy nhiên ông cũng khẳng định: "Trong tương lai chúng tôi sẽ xem xét về vấn đề tích hợp AI vào hoạt động của công ty khi và chỉ khi các vấn đề vướng mắc về pháp lý của AI được giải quyết, khi các sản phẩm của AI tạo ra đạt được tiêu chuẩn về chất lượng do chúng tôi đặt ra".

Chia sẻ với Znews, đại diện một số đơn vị phát hành ebook khác cho biết hiện tại chưa ứng dụng AI trong khuôn khổ sản xuất, phát hành sách của công ty. Tuy nhiên, nắm bắt được xu thế hiện tại, các đơn vị cũng đang có kế hoạch nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn từ các đội ngũ kĩ thuật, công nghệ để cân nhắc ứng dụng AI trong tương lai.

Tâm Anh

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-ebook-viet-san-sang-ung-dung-ai-trong-xuat-ban-tiep-thi-post1452985.html