Doanh nghiệp FDI gửi 'tâm tư' tới Chính phủ
Không chỉ phản ánh về việc một số thủ tục hành chính còn phiền hà, thời gian giải quyết kéo dài, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đưa ra những khuyến nghị để tháo gỡ khó khăn như sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép các công ty ở Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài…
Mở đầu phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm 2023 (VBF 2023), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, cơ quan quản lý muốn nghe cả những thông lệ tốt và khó khăn trực diện từ doanh nghiệp. Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành lắng nghe đầy đủ và giải quyết một cách thấu đáo, trách nhiệm, tận tình, với phương châm lấy doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ.
Kiến nghị thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn nước ngoài
Ông Trần Anh Đức, Nhóm Công tác đầu tư và thương mại đánh giá, thời gian qua có thể nhận thấy nhiều điểm tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online.
Về các doanh nghiệp liên doanh, có nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990, đến nay, sau 30 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp cần được gia hạn. Các doanh nghiệp mong có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp yên tâm được gia hạn dự án, hợp đồng kinh doanh. Thực hiện tốt điều này cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo luật, việc cấp giấy phép cơ sở bán lẻ (đối với các cơ sở không bị yêu cầu thực hiện khảo sát nhu cầu kinh tế) sẽ mất 23 ngày làm việc, trong đó Bộ Công Thương có 7 ngày làm việc để xem xét và có ý kiến với Sở Công Thương liên quan (Điều 28 Nghị định 09/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, hiện tại, ông Đức cho hay doanh nghiệp FDI phản ánh có khoảng hơn 100 hồ sơ vẫn đang tồn đọng ở cấp Bộ Công Thương.
Cho đến gần đây, hồ sơ xin cấp phép cơ sở bán lẻ thường được dự kiến xử lý trong khoảng 30 ngày. Hiện tại, do các vấn đề về cấu trúc hiện tại ở cấp Bộ Công Thương, việc này đang mất thời gian hơn đáng kể và sẽ chưa thể chấm dứt mặc dù các nhà đầu tư vẫn thường xuyên liên hệ và yêu cầu có những hành động/thông tin hợp lý.
Đáng chú ý, liên quan tới khung pháp lý với đất đai và bất động sản, trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong đó có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam.
"Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài. Rất mong các cơ quan chức năng lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp", Nhóm Công tác đầu tư và thương mại phản ánh.
Đặc biệt, đại diện Nhóm công tác cũng kiến nghị các công ty ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tài chính cạnh tranh bên ngoài Việt Nam vì họ không thể thế chấp nhà xưởng và quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài. Vì thế, các cơ quan lập pháp có thể xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép các công ty ở Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài.
Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Trần Tuấn Phong, đồng Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng VBF, cho biết các công ty ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tài chính cạnh tranh bên ngoài Việt Nam vì họ không thể thế chấp nhà xưởng và quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài.
“Khi làm các dự án điện lên đến 1,5-1,8 tỷ USD, không một ngân hàng Việt Nam nào có thể cấp tín dụng, khi đó, nguồn vốn quốc tế rất quan trọng", ông Phong nhận định.
Nâng cao năng lực cạnh tranh là chiến lược quốc gia
Phản ánh những khó khăn trong phát triển kinh tế số, ông Seck Yee Chung, Nhóm Công tác kinh tế số, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét lại cách tiếp cận khác để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với nền kinh tế số toàn cầu hiện nay, tạo điều kiện đổi mới, khuyến khích đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành những cải cách mạnh mẽ hơn bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đã được ban hành, loại bỏ các hình thức về bản chất là giấy phép (ví dụ như thông qua yêu cầu đăng ký), các yêu cầu báo cáo trong tất cả quy định hiện hành và trong tương lai áp dụng cho những ngành có ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông và dịch vụ kỹ thuật số.
Trong khi đó, Nhóm Công tác thuế, hải quan VBF đánh giá việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu 15% vào năm 2024, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan đến hoạt động của các công ty con tại Việt Nam. Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở nên không còn ý nghĩa.
Theo đó, Nhóm công tác kiến nghị Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao.
Đồng thời, để tiếp tục thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án công nghệ cao lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư của mình theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 50- NQ/TW, Chính phủ/Bộ Tài chính cần xem xét các giải pháp để thúc đẩy việc nội luật hóa thuế suất tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; và có các phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng.
Sau khi lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp rất xác đáng, chạm vào những vấn đề mang tính cốt lõi, thực tiễn như đối với dự án hạ tầng các vấn đề hiện hữu hiện nay là bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng luật nước ngoài, chính sách đảm bảo đầu tư… Hay quan điểm với Nhóm công tác môi trường, cần cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững, đã đến lúc cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ tái chế nhất định,…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh được Chính phủ Việt Nam xác định là chiến lược quốc gia. Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều việc để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, tham gia sâu rộng vào các hiệp định thế hệ mới, tạo sân chơi rộng mở hơn, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn; tập trung nguồn lực đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu để tăng cường kết nối, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp…
Mặc dù nguồn nhân lực còn bất cập nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã, đang có bước đi quan trọng để cải thiện. Đối với thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và sẽ có những bước đi thiết thực, hiệu quả. "Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu vấn đề này, dự kiến tuần tới, chúng tôi sẽ có tọa đàm thảo luận lấy ý kiến các chuyên gia để có bức tranh tổng thể", Thứ trưởng KH&ĐT cho biết.