Doanh nghiệp FDI tiên phong phát triển bền vững và tăng trưởng xanh
Với hàng trăm dự án đang đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động, khối doanh nghiệp FDI tại Hà Nam còn cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh thực hiện cấp mới 15 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 90,7 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 22 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 317,5 triệu USD. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh 8 tháng năm 2024 ước tăng 10,69% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI tăng 15,27%.
Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chiến lược tăng trưởng xanh) xác định rõ quan điểm: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030...
Tại Hà Nam, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp FDI đã và đang cùng với các cấp, ngành, địa phương chung tay thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững của Chính phủ. Minh chứng rõ nét nhất là trong những năm gần đây, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và cả nước. Trong 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các ngành kinh tế chủ lực đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 23,55%; sản xuất thiết bị điện tăng 34,56%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,98%; sản xuất trang phục tăng 5,77%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,49%… Cũng trong 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 45 dự án đầu tư mới, trong đó, thực hiện cấp mới 15 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 90,7 triệu USD; thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 22 dự án FDI với số vốn tăng là 317,5 triệu USD. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh 8 tháng năm 2024 ước tăng 10,69% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI tăng 15,27%.
Những con số này cho thấy, trong thành tựu chung của nền kinh tế có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp FDI. Điều này khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài với phương châm: Các cấp chính quyền tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là mục tiêu mà tỉnh Hà Nam hướng tới. Trong thu hút đầu tư những năm qua, tỉnh Hà Nam cũng ưu tiên thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực công nghệ xanh, sạch, doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn… Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Hiện nay, trong các khu công nghiệp của tỉnh có trên 600 dự án đầu tư, trong đó có 356 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,177 tỷ USD. Trong quá trình đầu tư tại tỉnh, nhiều doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động. Trên quan điểm, tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, các doanh nghiệp FDI tại Hà Nam đã phát huy tốt thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường, đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư máy móc công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải… Điển hình là Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Chi nhánh Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nam, Công ty TNHH Minebea AccessS olutions Việt Nam, Công ty TNHH GenTherm Việt Nam (KCN Đồng Văn II, Duy Tiên); Công ty TNHH YKK Việt Nam (KCN Đồng Văn III, Duy Tiên); Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina (KCN Đồng Văn I, Duy Tiên); Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý)…
Các doanh nghiệp FDI không chỉ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh mà còn là những doanh nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hóa sản xuất, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp FDI đã tích cực tổ chức, tham gia các chương trình về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH GenTherm Việt Nam với chương trình “Thu pin cũ – Cùng GenTherm xử lý pin cũ đúng cách”; Công ty Honda Việt Nam với chương trình hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày hội trồng cây - Cùng Honda giữ mãi màu xanh Việt Nam; Công ty TNHH Honda Lock Việt Nam với chương trình “Ngày hội môi trường cho trẻ em”…
Ông Kim Sung Ju, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina - doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất các mặt hàng công nghệ cao về LED cho biết: Trong nhiều năm đầu tư tại Hà Nam, Seoul Semiconductor Vina đã duy trì đà tăng trưởng ổn định và chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy mới, mở rộng quy mô dự án tại Hà Nam trong thời gian tới. Chuyên sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, Seoul Vina đã đầu tư ứng dụng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường với phương châm “Sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường để đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững”. Theo đó, cùng với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, Seoul Semiconductor Vina cũng xây dựng đầy đủ hệ thống xử lý khí thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt với công nghệ tiên tiến nhất. Đồng thời, triển khai xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Doanh nghiệp FDI kiểu mẫu về bảo vệ môi trường”. Trong quá trình hoạt động, Seoul Semiconductor Vina luôn quan tâm xử lý triệt để các loại chất thải, khí thải, nước thải phát sinh theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, không có tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc của người lao động và môi trường xung quanh.
Mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm nhưng ở Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng vẫn là một điểm sáng trong thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với sự phát triển nhanh, bền vững, thân thiện với môi trường, cộng đồng doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.