Doanh nghiệp gặp khó khi chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện ở TP.HCM
Các doanh nghiệp ở TP.HCM hiện đang gặp khó khi thực hiện các thủ tục để làm các dự án đốt phát điện thay cho chôn lấp hợp vệ sinh.
Ngày 24-7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đến giám sát tại TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CX
Triển khai các dự án đốt rác phát điện còn chậm
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó giám đốc Sở NN&MT TP.HCM cho biết, ước tính tổng khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP khoảng 14.000 tấn/ngày.
Khối lượng rác sinh hoạt được thu gom, vận chuyển xử lý đạt gần 99%, trong đó tỉ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt, compost, tái chế đạt khoảng 40%, phần còn lại là được chôn lấp hợp vệ sinh.
Liên quan công tác chuyển đổi công nghệ xử lý rác, ông Nguyễn Văn An, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (thành viên đoàn giám sát) đánh giá TP. HCM hiện có năm đơn vị được chuyển công nghệ đốt rác phát điện, nhưng việc triển khai còn chậm.
Vì vậy, TP.HCM cần thực hiện giải pháp để sớm đưa công nghệ xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện vận hành.
Cụ thể, bà Huỳnh Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam cũng cho rằng một trong những khó khăn là quy trình thẩm định, phê duyệt dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện thực hiện theo mô hình công nghệ xanh phù hợp với định hướng chung của TP và cả nước còn phức tạp. Dự án phải thông qua nhiều cơ quan Bộ ngành, thủ tục pháp lý chồng chéo.
Do đó, bà Phương đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giám sát và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án đốt rác phát điện.
Đại diện Tổng công ty BIWASE (Công ty cổ phần - Tổng công ty nước - Môi trường Bình Dương) cũng cho rằng công ty hiện gặp một số khó khăn nhất định.
Trong đó, khó khăn mà công ty đặt ra là các phương pháp xử lý rác sinh hoạt nhất là xử lý bậc cao, tái chế sâu đang gặp nhiều vướng mắc.
Vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc cơ quan chịu trách nhiệm chưa đưa ra được định mức tiêu hao chi phí cụ thể cho các công đoạn xử lý và hoạt động dịch vụ vận hành bảo trì. Việc này dẫn đến việc không thể xây dựng được đơn giá xử lý tái chế một cách chính xác.
Trong khi đó, chi phí thực tế để sản xuất các sản phẩm tái chế lại cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất cùng loại sản phẩm bằng cách khai thác nguyên liệu tự nhiên. Điều này làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý chất thải khép kín.
Vì vậy, hoạt động tái chế mặc dù mang lại giá trị lớn cho môi trường, cho cộng đồng nhưng lại đang trở thành gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp.
Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp
Tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, hiện nay TP cũng đã có nhiều đơn vị thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: CX
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh công tác chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện không phải không có nhà đầu tư ở TP.HCM nhưng vấn đề là hiện nay sự chênh lệch giữa giá thành và chi phí cho nhà đầu tư rất thấp.
Do đó, TP.HCM kiến nghị Trung ương có chính sách về giá thành phù hợp để đảm bảo được sự vận hành của nhà máy.
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.TP cần quyết liệt và xác định mục đích rõ ràng là bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo, từ thực tiễn hoạt động, TP.HCM cần tiếp tục chủ động nghiên cứu kiến nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường.