Bộ trưởng Nội vụ: 'Trên dưới đồng lòng thì việc gì cũng thành công'

Đánh giá những bài học rút ra từ quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh bài học quý giá hàng đầu chính là tinh thần đồng thuận, đồng lòng từ Trung ương đến địa phương.

Chưa có tiền lệ nhưng đã chủ động vượt khó

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành nội vụ diễn ra ngày 25/7, sau khi nghe ý kiến từ các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định tất cả đều “rất sát thực tiễn, có chiều sâu và trách nhiệm”, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền các cấp.

Bộ trưởng đánh giá việc vận hành mô hình chính quyền 2 cấp trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt rất cao.

Từ đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, quy trình quản trị cho đến bộ máy cấp xã…, tất cả đều được tổ chức lại trên một nền tảng mới. Chính vì thế, những khó khăn, lúng túng, vướng mắc ban đầu là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các địa phương đã chủ động nhận diện vấn đề, phản ánh thẳng thắn, đề xuất đúng hướng và kiên trì tháo gỡ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: X.Trung

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: X.Trung

Đề cập những bài học rút ra từ thực tiễn, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho rằng: “Bài học quý giá đầu tiên chính là tinh thần đồng thuận, đồng lòng từ Trung ương đến địa phương. Như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt thì việc gì cũng thành công”.

Thứ hai là bài học về sự lãnh đạo: Quyết tâm, quyết liệt, nhất quán toàn diện và lựa chọn đúng thời điểm để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo một cách thần tốc và đồng bộ.

Việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp là kết quả của sự lãnh đạo quyết liệt, đúng thời điểm từ Trung ương, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Từ việc ban hành các nghị quyết lớn, sửa đổi luật đến loạt văn bản hướng dẫn, thể chế hóa đồng bộ… đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quá trình triển khai.

Đặc biệt, trong suốt quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính, các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi, nhất là đối với cán bộ chịu tác động trực tiếp đều được quan tâm và giải quyết kịp thời.

Việc tham mưu không chỉ cần đúng, trúng vấn đề, mà còn phải đáp ứng 2 mục tiêu lớn: phục vụ phát triển đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Chỉ khi nào lấy người dân làm trung tâm, lấy sự ấm no, hạnh phúc làm mục tiêu, thì những đề xuất của chúng ta mới có giá trị thực tiễn” - Bộ trưởng khẳng định.

Giữ chân người tài, áp dụng hệ thống KPI để đánh giá cán bộ

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu ngành nội vụ tập trung ổn định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính, đảm bảo “hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng” để phục vụ người dân tốt hơn.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, gắn với quản trị quốc gia trong vận hành chính quyền 2 cấp. Một trong những nội dung then chốt là hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phù hợp với tình hình mới.

Trong đó, riêng Bộ Nội vụ sẽ chủ trì soạn thảo 16 nghị định liên quan đến chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, tiền lương, bảo hiểm xã hội... Đồng thời, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không còn phù hợp, nhằm đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, linh hoạt.

Một điểm đáng chú ý được Bộ trưởng nhấn mạnh là tinh thần phân cấp, phân quyền linh hoạt theo đặc thù từng địa phương. Theo bà Trà, không thể áp dụng một mô hình chung từ Hà Nội đến vùng sâu, vùng xa. Chính quyền cấp xã tại mỗi nơi cần được thiết kế bộ máy phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên và chức năng đặc thù.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công chức cấp xã có năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm là nhiệm vụ then chốt, cấp thiết.

Trước mắt, các địa phương cần tạm thời tăng cường, bổ sung cán bộ chuyên ngành, đặc biệt là các vị trí chuyên sâu đang thiếu hụt. Đồng thời, địa phương phải khẩn trương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ cấp xã một cách công khai, dân chủ, đúng quy định. Trên cơ sở đó sắp xếp lại cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn với việc giữ chân người có năng lực.

Bộ trưởng lưu ý nếu không kịp thời ban hành chính sách phù hợp, đội ngũ cán bộ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, Bộ Nội vụ dự kiến sớm ban hành nghị định mới, trong đó áp dụng hệ thống KPI để đánh giá cán bộ, công chức. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá phải xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Cùng với đó, công tác tư tưởng, động viên, bố trí nơi ăn ở ổn định cho cán bộ khi chuyển về trung tâm hành chính mới cũng phải được quan tâm đúng mức. Các địa phương cần chủ động tham mưu chính sách phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng cấp chính quyền.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các đơn vị liên quan để xác định biên chế hợp lý trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quy mô dân số, diện tích địa lý và đặc thù từng nơi.

Bộ cũng sẽ xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, công chức cấp xã, để đáp ứng yêu cầu mới trong vận hành chính quyền 2 cấp.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-noi-vu-tren-duoi-dong-long-thi-viec-gi-cung-thanh-cong-2425797.html