Doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng chẳng thể ngó lơ

Công ty TNHH Thủy sản Giang Nam giảm thời gian làm việc của công nhân để duy trì hoạt động. Ảnh: LÊ HẢO

Dịch COVID-9 khởi phát từ Trung Quốc cách đây hơn 3 tháng, nay đã lan nhanh trên nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực đều dần “ngấm đòn” do ảnh hưởng của dịch bệnh này.

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Về phần mình, các ngân hàng thương mại chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn và áp dụng các giải pháp hỗ trợ.

Sản xuất chậm lại

Công ty TNHH Thủy sản Giang Nam (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) có ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Hàng hóa của doanh nghiệp này chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc. “Từ khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc, đơn hàng giảm hẳn, chỉ còn khoảng 1/3 so với trước. Tình hình trong nước khó khăn, người dân mua sắm hạn chế nên tiêu thụ nội địa cũng giảm. Do đó, doanh nghiệp phải sản xuất chậm lại và giảm thời gian làm việc của công nhân. Nếu tình hình này kéo dài, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, ông Biện Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Giang Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi dự tính của doanh nghiệp. Bởi thông thường mỗi năm, doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng khoảng 10-20%/năm. Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, hàng hóa tiêu thụ chậm, doanh thu của đơn vị giảm sút đáng kể. Nhiều đơn hàng, khách hàng đã đặt trước Tết nhưng khi thị trường biến động, họ không lấy hàng nữa, doanh nghiệp phải chịu thiệt. “Bây giờ, chúng tôi làm mọi cách để duy trì hoạt động, đảm bảo người lao động có lương để họ không bỏ đi làm việc khác và doanh nghiệp vẫn có người làm để sẵn sàng sản xuất trở lại khi thị trường “ấm” lên”, ông Nam nói.

Tại Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên (PYFINCO), từ sau Tết đến nay, hoạt động của nhà máy may Phong Phú - Phú Yên cũng không còn sôi nổi như trước. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc PYFINCO cho biết: Khi dịch COVID-19 bùng phát, trẻ em phải nghỉ học, nhiều công nhân xin nghỉ phép để ở nhà trông con. Thêm vào đó, thời điểm này, nguyên phụ liệu, vật tư may mặc về chậm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như kế hoạch cung ứng hàng hóa cho công ty mẹ.

Theo ông Dũng, PYFINCO không phải là doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp mà chỉ xuất qua công ty mẹ nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa bị tác động quá lớn. Hiện nhà máy may Phong Phú - Phú Yên đang sản xuất những đơn hàng của quý I/2020; nguyên phụ liệu cho các đơn hàng này đã được công ty mẹ nhập về từ trước nên doanh nghiệp vẫn đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó khăn, và đôi khi phải dừng hoạt động mảng may mặc vì những yếu tố bất khả kháng.

Theo Cục Thuế Phú Yên, thời gian qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên toàn tỉnh. Qua phản ánh của các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, những ngành nghề chịu tác động lớn của dịch là vận tải, kinh doanh dịch vụ, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, sản xuất thủy hải sản, mua bán hàng nông sản, may mặc... Bên cạnh đó, đời sống người dân gặp khó khăn, sức mua trên thị trường giảm theo, làm các dịch vụ khác cũng ảnh hưởng theo.

Rà soát, hỗ trợ khách hàng vay bị thiệt hại

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, NHNN chi nhánh Phú Yên đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng và nghiêm túc áp dụng các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1-31/3/2020; cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh Phú Yên còn yêu cầu các ngân hàng chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ... cho khách hàng.

Ông Nguyễn Khánh, Giám đốc MB Phú Yên, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHNN và MB, chi nhánh đã thành lập tổ công tác đến thăm, làm việc với khách hàng vay để nắm tình hình sản xuất kinh doanh cũng như ghi nhận những khó khăn, vướng mắc khách hàng đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch COVID-19; qua đó tổng hợp báo cáo hội sở để có giải pháp tháo gỡ. MB Phú Yên cũng chuẩn bị sẵn các kịch bản để khi khách hàng khó khăn thì hỗ trợ kịp thời.

Còn theo ông Nguyễn Đại Hòa, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên, nhằm chung tay hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, BIDV đã chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng như giảm lãi vay tối thiểu 1%, giảm 50% phí chuyển tiền, tặng phí giao dịch... Ngoài ra, ngân hàng còn chủ động rà soát, theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để có giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm/miễn lãi vay, xem xét cho vay mới để khách hàng khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh…

“Tại VietinBank Phú Yên, qua thời gian rà soát, chúng tôi nhận thấy khách hàng cũng bị ảnh hưởng, nhưng đến nay, tỉ lệ dư nợ bị ảnh hưởng so với tổng dư nợ của chi nhánh vẫn ở mức độ vừa phải. Đối với những khách hàng thực sự bị tác động và khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ để giảm áp lực tài chính cho khách hàng. Tuy nhiên, để được hỗ trợ, khách hàng phải chứng minh thiệt hại cụ thể chứ không thể ý kiến chung chung. Còn đối với những khách hàng bị ảnh hưởng ít, vẫn đủ nội lực để duy trì sản xuất, kinh doanh thì ngân hàng động viên khách hàng chủ động vượt khó. Về phần mình, ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ, xem xét cho vay với lãi suất phù hợp, không để doanh nghiệp thiếu vốn”, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên nói.

Theo ông Lĩnh, với tình hình khó khăn chung như hiện nay, phải làm cách nào để ngân hàng và khách hàng cùng thắng. Bởi khi khách hàng không bán được hàng, hàng tồn kho nhiều, công nợ lớn... dẫn đến nợ chậm trả, phát sinh nợ khó đòi thì sẽ gây khó khăn chung cho cả hai bên.

Theo NHNN chi nhánh Phú Yên, nhằm chủ động nắm bắt mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19, kết quả triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch của các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đơn vị này dự kiến tổ chức buổi làm việc với các tổ chức tín dụng, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong tháng 3/2020.

Dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn hiện nay là cơ quan thuế sớm thực hiện chính sách giảm thuế, hoãn nộp tiền thuế, tiền thuê đất; BHXH cho chậm nộp tiền bảo hiểm; còn ngân hàng thì giảm lãi suất cho vay, giãn thời gian trả nợ. Đối với địa phương, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh trích một phần ngân sách hình thành gói hỗ trợ, trên cơ sở phân tích, sàng lọc, có những tiêu chí phân loại doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp dẫn đến thiệt hại để có phương án hỗ trợ cụ thể.

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/236414/doanh-nghiep-gap-kho-ngan-hang-chang-the-ngo-lo.html