Doanh nghiệp gia đình chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của BIDV

Chiều 26-10, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng tiếp tục với phần công bố cáo trạng.

Trong số 12 bị cáo bị đưa ra xét xử có nhiều người từng là lãnh đạo của BIDV như Trần Lục Lang (SN 1967) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietbank); Đoàn Ánh Sáng (SN 1961) - nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa (SN 1961) - nguyên Giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh (SN 1984) - nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh; Ngô Duy Chính (SN 1963) – nguyên Giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Thành và một số bị cáo từng là giám đốc doanh nghiệp.

Các bị cáo lần lượt bị đưa ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng " và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Hành vi vi phạm của các bị cáo được xác định là chủ yếu xảy ra tại BIDV, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Cùng với các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng BIDV, vợ chồng Đoàn Hồng Dũng (SN 1961) – Giám đốc Công ty Trung Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn (SN 1963) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam (Công ty Hà Nam) cùng bị đưa ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo trong vụ án bị dẫn giải tới phiên tòa trong ngày đầu xét xử vụ án.

Bị cáo trong vụ án bị dẫn giải tới phiên tòa trong ngày đầu xét xử vụ án.

Về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV, chi nhánh Hà Thành, cáo trạng truy tố các bị cáo xác định, Công ty Trung Dũng được thành lập năm 2000, do Đoàn Hồng Dũng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài Công ty Trung Dũng, Đoàn Hồng Dũng còn nhờ người thân quen đứng ra thành lập thêm 2 doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong kinh doanh.

Hai doanh nghiệp trên là Công ty Hà Nam, do Nguyễn Thị Thanh Sơn làm giám đốc và Công ty CP Đầu tư Phát triển Trung Dũng (Công ty Đầu tư Trung Dũng), do Đoàn Mạnh Trung (con trai Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cáo trạng truy tố các bị cáo xác định, khi đề nghị BIDV mở L/C (thư tín dụng) để đảm bảo thanh toán cho Hợp đồng ngoại thương, Đoàn Hồng Dũng lập phương án kinh doanh và cam kết với BIDV tại Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo là toàn bộ số hàng sau khi nhập về, Công ty Trung Dũng sẽ bán cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO).

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ chuyển về tài khoản của BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn. Trên cơ sở cam kết, BIDV – chi nhánh Hà Thành giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý tài sản đảm bảo (hàng hóa hình thành từ vốn vay) kèm điều kiện cụ thể.

Theo cáo trạng, BIDV – chi nhánh Hà Thành và Công ty Trung Dũng đã ký hợp đồng tín dụng phát hàng L/C theo món với số tiền 18.87 triệu USD (+/- 5%) và 2,397 triệu USD (+/- 10%) để nhập khẩu phôi thép, thép phế; ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai thế chấp toàn bộ lô hàng nhập khẩu hình thành theo Hợp đồng nhập khẩu.

Các bị cáo trong vụ án BIDV bị thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng bị đưa ra tòa xét xử

Các bị cáo trong vụ án BIDV bị thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng bị đưa ra tòa xét xử

Sau đó, BIDV – chi nhánh Hà Thành đã phát hành L/C trị giá 18,87 triệu USD (+/- 5%) để nhập khẩu phôi thép và thép phế. Sau khi nhập khẩu lô phôi thép, thép phế, lợi dụng việc BIDV – chi nhánh Hà Thành giao cho tự quản lý hàng hóa và không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc bán hàng, Công ty Trung Dũng không trực tiếp bán hàng cho Công ty TISCO như cam kết với BIDV.

Thay vào đó, “Công ty Trung Dũng bán hàng lòng vòng qua các công ty gia đình do Dũng đứng ra thành lâp để bán hàng cho Công ty TISCO nhằm tránh sự quản lý của BIDV, không chuyển tiền bán hàng về tài khoản mở tại BIDV”, cáo trạng nêu rõ.

Khi đến hạn thanh toán L/C cho đối tác nước ngoài, Công ty Trung Dũng không có khả năng thanh toán, BIDV – chi nhánh Hà Thành đã phải cho vay bắt buộc để Công ty Trung Dũng thanh toán tiền cho đối tác nước ngoài. Và trong thời gian từ 29-5-2012 đến 12-7-2012, BIDV đã cho vay bắt buộc 8 khoản vay với tổng số tiền hơn 350 tỉ đồng. Sau đó, BIDV đã xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ được hơn 87 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ đối với khoản vay bắt buộc là hơn 263 tỷ đồng.

Theo lời khai của bị cáo Đoàn Hồng Dũng trong cáo trạng, bị cáo thừa nhận hành vi lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, thông qua pháp nhân của các công ty gia đình bán tài sản đảm bảo không được sự đồng ý của BIDV, sử dụng tiền vào mục đích của công ty và cá nhân, trái với cam kết của BIDV.

Đối với khoản vay theo hạn mức để mua phôi thép và thép phế nhưng không thực hiện hợp đồng mua bán là do các đối tác yêu cầu đối trừ công nợ, bị cáo ý thức sẽ dùng tiền bán hàng để trả nợ BIDV nhưng do dư nợ quá nhiều nên không trả được.

Bên cạnh đó, vợ của bị cáo Dũng – bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam) khai đầu năm 2012, Công ty Trung Dũng được BIDV – chi nhánh Hà Thành phát hành L/C bảo lãnh nhập khẩu phôi thép và thép phế về để bán cho Công ty TISCO. Tuy nhiên, sau khi bán cho Công ty TISCO được 15 tỷ đồng tiền phôi thép thì phía đối tác không đồng ý thanh toán tiền mà đề nghị trừ nợ một phần khoản nợ cũ của Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam.

Vợ của bị cáo Dũng cũng khai, khi đó Đoàn Hồng Dũng có đề nghị BIDV chấp thuận việc thanh toán nêu trên để Công ty Trung Dũng có thể luân chuyển được dòng tiền nhưng BIDV vẫn yêu cầu tất cả hoạt động bán phôi thép, thép phế của Công ty Trung Dũng cho Công ty TISCO thì đều phải thanh toán duy nhất qua tài khoản của Công ty Trung Dũng mở tại BIDV.

Do hàng hóa nhập khẩu về công ty bị ứ đọng, tăng chi phí thuê kho bãi nên Dũng đã làm việc với Công ty TISCO, đồng ý để Công ty TISCO thu một phần công nợ của Công ty Trung Dũng, Công ty Hà Nam và nhận thanh toán bằng hàng hóa để có thể luân chuyển tiền hàng...

Theo cáo trạng, khi Đoàn Hồng Dũng bàn bạc, trao đổi về việc bán hàng mà không chuyển tiền về BIDV, Nguyễn Thị Thanh Sơn đã đồng ý dùng pháp nhân của Công ty Trung Dũng, Công ty Đầu tư Trung Dũng thực hiện việc mua hàng của Công ty Trung Dũng, bán hàng cho Công ty TISCO nhằm tránh sự kiểm soát của BIDV. Bị cáo Sơn đã dùng pháp nhân Công ty Hà Nam để thủ tục hoàn thiện việc mua bán này...

Ngoài ra, BIDV chi nhánh Hà Thành còn cho Công ty Trung Dũng vay vốn theo các hợp đồng ngắn hạn, nâng tổng số tiền tổ chức tín dụng này bị thiệt hại, không thể thu hồi vốn từ Công ty Trung Dũng lên đến gần 865 tỷ đồng.

Vào cuối giờ chiều ngày đầu tiên xét xử vụ án (26-10), bị cáo Trần Lục Lang (cựu Phó tổng Giám đốc BIDV, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt) và một số bị cáo liên quan bước đầu đã trả lời thẩm vấn của HĐXX về hành vi bị truy tố.

Lâm Vinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doanh-nghiep-gia-dinh-chiem-doat-so-tien-dac-biet-lon-cua-bidv-post448292.antd