Doanh nghiệp Hàn Quốc chịu tác động từ hàng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc

Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) nhận định tác động tiêu cực từ hàng hóa Trung Quốc giá thấp tới ngành chế tạo trong nước có khả năng kéo dài.

Xe ô tô Trung Quốc tại Hàn Quốc. Ảnh: Korean Times

Xe ô tô Trung Quốc tại Hàn Quốc. Ảnh: Korean Times

Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) ngày 6/8 công bố kết quả phân tích những tác động của làn sóng hàng xuất xứ Trung Quốc giá rẻ tới ngành chế tạo trong nước, trong đó nhận định tác động tiêu cực từ hàng hóa Trung Quốc giá thấp sẽ có khả năng kéo dài.

Trước đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho biết, tỷ lệ tồn kho hàng thành phẩm của nước này đã tăng từ 6,94% tháng 10/2020 lên 20,11% trong tháng 4/2022 do tiêu dùng và nền kinh tế bất động sản trì trệ trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu hàng tồn kho do sản xuất dư thừa ra nước ngoài với giá thành thấp, nhờ đó giúp giảm tỷ lệ tồn kho xuống mốc 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ tồn kho hàng thành phẩm đã tăng lên 4,67% trong tháng 7 vừa qua.

Theo kết quả khảo sát với 2.228 doanh nghiệp chế tạo trên toàn Hàn Quốc, có 27,6% doanh nghiệp trả lời doanh số và đơn hàng trên thực tế đã bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm với giá rẻ. 42,1% doanh nghiệp cho biết đến nay vẫn không bị ảnh hưởng, nhưng khả năng sẽ chịu tác động trong tương lai.

Đặc biệt, làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc được cho là tác động lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu hàng ra nước ngoài hơn là doanh nghiệp cung cấp hàng ra thị trường nội địa. Xét theo các ngành nghề, có 61,5% doanh nghiệp Hàn Quốc ở lĩnh vực pin thứ cấp cho biết bị ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Một công ty chuyên xuất khẩu linh kiện trọng tâm của pin thứ cấp sang Mỹ cho biết các công ty cạnh tranh sẽ mua vào nguyên vật liệu xuất xứ Trung Quốc với giá rẻ để giảm giá thành thấp xuống nhằm mở rộng thị phần. Nhưng nếu dùng nguyên vật liệu xuất xứ Trung Quốc để giảm giá thành sản phẩm thì sẽ đồng nghĩa với việc phải từ bỏ thị trường Mỹ do các hạn chế mà chính phủ nước này đặt ra. Do đó, doanh nghiệp trở nên đắn đo hơn trong việc đưa ra lựa chọn.

KORCHAM cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất pin vốn đang gặp khó khăn do nhu cầu xe điện giảm, nay lại càng rơi vào thế khó hơn trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Thông tin cho hay những ngành nghề khác như may mặc, mỹ phẩm và thép cũng chịu ảnh hưởng bởi làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc. Ngược lại, ngành ô tô, thiết bị chính xác, dược và sinh học chịu thiệt hại tương đối thấp hơn. Về thiệt hai, có tới 52,4% doanh nghiệp phải giảm giá bán, 46,2% doanh nghiệp có giao dịch thị trường nội địa giảm và 23,2% doanh nghiệp bị doanh số xuất khẩu ra nước ngoài.

Có 46,9% doanh nghiệp trả lời sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, như phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, để đối phó với tình trạng trên. Mặt khác, có 39,5% doanh nghiệp lo ngại nếu như Trung Quốc nâng cao công nghệ, thì trong vòng 4-5 năm tới, các doanh nghiệp nước này có thể vượt mặt Hàn Quốc về năng lực công nghệ.

Do đó, 37,4% doanh nghiệp cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần có biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, 25,1% cho rằng cần mở rộng hỗ trợ vào nghiên cứu và phát triển và 15,9% nhận định cần hỗ trợ để tìm kiếm các thị trường mới.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-han-quoc-chiu-tac-dong-tu-hang-xuat-khau-gia-re-tu-trung-quoc/342923.html