Doanh nghiệp hiến kế giúp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19

Bên cạnh yếu tố then chốt là tiêm vaccine, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi phương thức kinh doanh, cũng như các quy định phòng chống dịch cần tính lâu dài, ổn định hơn để các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức cho biết sau ngày 15/9, TP. HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội cũng như áp dụng "thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19".

Các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm quay lại phục hồi

Bài liên quan

Doanh nghiệp nói gì khi sống chung với dịch?

Sở TT&TT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo hạ tầng, đường truyền cung cấp dịch vụ viễn thông ổn định

CEO của Thành Thành Công - Biên Hòa: "Doanh nghiệp không thể hoạt động 3T mãi được"

"Nền kinh tế, các doanh nghiệp không thể đợi thêm, Hà Nội nên mạnh dạn, linh hoạt hơn"

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như thời gian giãn cách xã hội kéo dài, tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên mới đây, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19.

Đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm quay lại phục hồi

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho rằng các doanh nghiệp đã có khoảng thời vất vả khi phải sống chung với dịch bệnh. Đặc biệt, ở khu vực TP. HCM và các tỉnh phía Nam với thời gian giãn cách 2 tháng qua đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nếu không sớm quay lại phục hồi sớm sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản.

Là doanh nghiệp có đến 12.000 cán bộ công nhân viên tại 7 tỉnh, thành phố, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho rằng: "Một người dân ‘chết’ đã rất đau thương, nhưng doanh nghiệp có đến vài chục nghìn lao động ‘chết’ sẽ để lại những hệ lụy về an sinh, đói nghèo, bất ổn xã hội sau này".

Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng khó thực hiện phương án 3 tại chỗ lâu dài khi chỉ có khoảng 30-50% lao động được làm việc, trong khi chi phí hoạt động tăng đến 4-5 lần, doanh thu giảm đến một nửa.

"Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu sức ép về chuyển đổi số. Sản phẩm chúng tôi làm ra trước đây có chuyên gia kiểm tra từng đường kim mũi chỉ, nhưng hiện 'ngăn sông cấm chợ' nên 100% phải kiểm hàng online. Đối với vận chuyển logistics, mỗi tuần chúng tôi có 2 chuyến giao hàng, nếu lỡ một ngày là lỡ 1 tuần vận chuyển, khách hàng có thể yêu cầu giao hàng máy bay. Một lần giao hàng máy bay doanh nghiệp đã lung lay, nếu 3 lần giao hàng máy bay thì doanh nghiệp có thể phá sản”, ông Việt chỉ ra những rủi ro về vận chuyển, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Dù chuẩn bị nhiều phương án để chống dịch nhưng Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho rằng "cực kỳ khó kiểm soát" vì lượng lao động quá lớn, trong khi đó doanh nghiệp phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra ca nhiễm. Đồng thời, để đảm bảo "vùng xanh", ông Việt cho biết chi phí xét nghiệm cho công nhân "rất khủng khiếp”.

Song, khó khăn lớn nhất được ông Việt nêu ra chính là việc tiếp cận vaccine còn chậm trễ. "Một doanh nghiệp có ca F0 lập tức phải đóng cửa từ 1-3 ngày để xét nghiệm, truy vết, phân loại, tạm dừng sản xuất, xây dựng phương án... câu chuyện cứ dây dưa như thế thật sự doanh nghiệp chịu đựng không nổi. Để đến khi không kiểm soát được mới có vaccine thì quá muộn rồi”, ông nói.

Xây dựng phương án chung sống, sản xuất an toàn với Covid-19

Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho rằng cần có kế hoạch tiêm chủng cụ thể tại các tỉnh thành, mức độ ưu tiên ra sao đối với nhóm an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp.

Về nội tại doanh nghiệp, theo ông Ngữ, doanh nghiệp cần đào tạo kiến thức và tinh thần cho nhân viên, chính sách đồng hành cùng người lao động, thiết kế các gói an sinh để người lao động không rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc bị cô lập.

Cần có kế hoạch tiêm chủng cụ thể tại các tỉnh thành, mức độ ưu tiên ra sao đối với nhóm an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp

Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản ứng phó cho từng bối cảnh. Cụ thể, chủ động trong mọi trường hợp và có sẵn nguồn lực và cơ sở y tế để ứng phó. Đồng thời, chủ động rà soát lại chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để đưa ra kế hoạch lưu trữ hàng hóa với tỷ lệ phù hợp để đảm bảo sản xuất không đứt gãy.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa còn chỉ ra "điểm mấu chốt" rằng các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh. Doanh nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu thị trường, có nên tập trung vào thị trường nội địa hay nâng tỷ trọng xuất khẩu để tận dụng cơ hội.

Bên cạnh đó, chuyển đổi hệ thống quản lý từ phương thức truyền thống sang làm việc trên hệ thống tự động từ kho, tổ chức sản xuất hàng hóa… Đồng thời, chú trọng hơn vào công tác đào tạo để chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi sau dịch, bắt nhịp lại nhanh và tận dụng được cơ hội của thị trường.

Nêu ý kiến, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng cần trang bị cho đội ngũ của doanh nghiệp kiến thức căn bản về y tế để doanh nghiệp có thể tự xây dựng được hệ thống tại chỗ.

"Nếu doanh nghiệp được đào tạo và trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất thì hoàn toàn có thể chủ động trong việc ứng phó, giống như việc sơ cứu ban đầu vậy”, bà Xuân nêu.

Hiến kế để doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung với dịch Covid-19, Thiếu tướng, PGS TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y cho rằng Việt Nam phải có chiến lược tiêm vaccine phù hợp để người dân có thể tiêm càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, cần cá nhân hóa trong phòng chống dịch; 5K cũng phải linh hoạt, điều chỉnh dần; các quy định phòng chống dịch cần tính lâu dài, ổn định để các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-hien-ke-giup-chu-dong-thich-ung-va-song-chung-an-toan-voi-covid-19-post155757.html