Doanh nghiệp, Hiệp hội 'đặt hàng' cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài
Ngày 14/11, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Tham dự Tọa đàm có Lãnh đạo, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp khu vực phía Nam. Đoàn Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 có Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình cùng các Đại sứ, Trưởng CQĐD mới được bổ nhiệm.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thông tin, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2024 có chiều hướng cải thiện nhưng vẫn có tính rủi ro, bất định cao, Bộ Ngoại giao rất chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và đánh giá cao những nỗ lực, khả năng thích ứng linh hoạt, sáng tạo của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 10 tháng đầu năm 2024.
Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi tích cực khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm ước đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu khu vực trong nước tăng hơn 20%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự năng động, nhanh nhạy của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ làm nên bức tranh sáng màu của hoạt động thương mại năm 2024.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, thời gian qua thương hiệu, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã vươn tầm toàn cầu, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
“Các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài mong muốn sẽ tiếp tục giúp đưa các sản phẩm, thương hiệu Việt Nam đến những địa bàn chúng tôi phụ trách để có thể lan tỏa được những điều tích cực, những câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt và của đất nước Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, các Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đều mong muốn các Hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra những yêu cầu, đặt hàng cụ thể trong việc khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống và những nhận định, đánh giá sơ bộ về các thị trường tiềm năng của các mặt hàng nông sản và may mặc Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu của hiệp hội, ngành hàng.
“Đây là những thông tin hết sức quan trọng sẽ giúp các Đại sứ, Trưởng CQĐD đưa ra kế hoạch, phương hướng hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác ngoại giao kinh tế trong nhiệm kỳ của mình. Ngược lại, xin đề nghị các Đại sứ, Trưởng CQĐD có ý kiến phản hồi đối với các đề xuất, chia sẻ của các hiệp hội, doanh nghiệp, bao gồm các cách thức liên hệ, phối hợp để triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn phụ trách”, Thứ trưởng chỉ rõ.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp các khối ngành Dệt may, Da giày, Thủy Hải sản, Rau quả…đã có những đề xuất cụ thể đối với các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài.
Đối với ngành da giầy các hiệp định thương mại mà chính phủ đã dày công đàm phán có tác động rất tốt với ngành, 60% doanh thu tới từ các nước có ký kết Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và 40% còn lại đến từ thị trường Mỹ. Hiện nay rào cản thương mại xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là khó khăn nhất.
Đối với ngành thủy sản, khó khăn về IUU và những quy định về khai thác bất hợp pháp đã làm cho ngành khai thác thủy sản của Việt Nam càng ngày càng gặp khó khăn hơn. Nguồn nuôi trồng chiếm 60%. trong toàn bộ nguyên liệu để xuất khẩu và đánh bắt thủy sản chiếm khoảng 40%. Trong giai đoạn tiếp theo, chiến lược đến năm 2030 nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ chiếm từ 70% cho đến 75%. Sản phẩm chủ lực của ngành là tôm và cá tra đều đến từ nuôi trồng.
Đối với ngành Dệt may Việt Nam có 3 hoạch định chiến lược cốt lõi cho ngành: Cốt lõi thứ nhất là phải đa dạng hóa thị trường, thứ hai là đa dạng hóa khách hàng và thứ ba là đa dạng hóa mặt hàng. Hiện thị trường châu Âu và Mỹ đặt ra thêm một số tiêu chuẩn mới. Đó là sản phẩm sử dụng các sản phẩm sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện môi trường và các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, năng lượng nguồn nước và năng lượng tái tạo.
Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong quá trình thâm nhập địa bàn, tạo điều kiện để hàng Việt xuất hiện nhiều hơn tại nhiều thị trường trên thế giới.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình đánh giá cao những bước tiến lớn mạnh của các doanh nghiệp không chỉ về quy mô, con số mà đã vươn tầm thành những bước đi chiến lược, tầm nhìn.
Cảm ơn sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp với công tác đối ngoại thời gian qua, cũng như thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình khẳng định, Bộ Ngoại giao và Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài sẽ tích cực hỗ trợ đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng.
Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình mong muốn, các hiệp hội cũng tiếp tục phát huy vai trò cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh linh hoạt, kịp thời các thông tin, yêu cầu đặt hàng cụ thể để công tác ngoại giao kinh tế có thể phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp “trúng và đúng”, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Chiều cùng ngày Thứ trưởng Phạm Thanh Bình đã dẫn đầu đoàn Đại sứ, Trưởng CQĐD Việt Nam tại nước ngoài đi thăm nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản, da giày phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn trưởng cơ quan đại diện: