Doanh nghiệp 'kêu' hải quan báo cáo Bộ Tài chính không đúng về nhập khẩu xăng dầu?
Trong quý III/2022,có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm. Doanh nghiệp 'kêu' bị hải quan gây khó dễ trong việc nhập khẩu xăng dầu.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Xuyên Việt Oil cho biết, việc Bộ Tài chính mới đây công bố số liệu về tình hình nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối nhưng không hề đưa ra những lời giải thích rõ ràng đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động, danh tiếng và gặp khó khi làm việc với ngân hàng.
Theo đại diện công ty này, trước đó, Bộ Tài chính công bố số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm. Một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn nhưng trong quý III/2022 không nhập khẩu.
Chẳng hạn như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Có 2 thương nhân đầu mối dừng nhập khẩu quý 3/2022 gồm: Công ty CP thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Về việc dừng nhập khẩu, lý do được đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Xuyên Việt Oil nêu, xuất phát từ việc doanh nghiệp bị chính Hải quan và Cục thuế TP. Hồ Chí Minh dừng hoạt động nhập khẩu kéo dài từ gần 6 tháng nay với lý do nợ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kéo dài. Việc bị cấm nhập này xuất phát từ yêu cầu của chính hải quan chứ không phải công ty không thực hiện việc nhập khẩu.
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vừa qua, ông Mai Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu chia sẻ, thị trường xăng dầu hiện nay không hề thiếu. Vì vậy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các doanh nghiệp xăng dầu không nhập khẩu kéo theo nguồn cung thị trường bị ảnh hưởng.
Ông Mai Xuân Huy dẫn chứng, Nam Sông Hậu không nhập khẩu nước ngoài vì ngày 15/8/2022, Tổng cục Hải quan ra văn bản tạm đình chỉ hoạt động làm thủ tục hải quan các kho xăng dầu trong đó có Nam Sông Hậu tới 6 tháng. Nếu trong thời gian này không bổ sung thiết bị đo bồn tự động thì sẽ thu hồi luôn giấy phép.
“Tổng cục Hải quan không cho doanh nghiệp nhập, nhưng lại báo cáo Bộ Tài chính nói doanh nghiệp không nhập xăng dầu như vậy rất khổ cho doanh nghiệp. Trong quý III, doanh nghiệp không được nhập xăng dầu vì quyết định của Tổng cục Hải quan” - ông Mai Xuân Huy nói, đồng thời cho hay, trong quý III, Công ty Nam Sông Hậu đã nhập trong nước để bù đắp cho nguồn không được nhập khẩu, từ đó góp phần ổn định thị trường trong lúc khó khăn khi đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào vụ lúa cần một lượng rất lớn xăng dầu.
"Một vấn đề nữa, tôi cho rằng, hiện chi phí vận chuyển không hợp lý dẫn tới việc có đủ xăng dầu cung cấp nhưng không có tàu chở về các địa phương kịp thời dẫn tới thiếu cục bộ" - ông Mai Xuân Huy cho biết thêm.
Trả lời Báo Tiền Phong, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMVT&DL Xuyên Việt Oil cho biết, việc Bộ Tài chính mới đây công bố số liệu về tình hình nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối nhưng không hề đưa ra những lời giải thích rõ ràng đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, danh tiếng và gặp khó khi làm việc với ngân hàng.
Cụ thể, theo bà Hạnh, trước đó, Bộ Tài chính công bố số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm. Một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn nhưng trong quý III/2022 không nhập khẩu như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Có 2 thương nhân đầu mối dừng nhập khẩu quý 3/2022 gồm: Công ty CP thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Về việc dừng nhập khẩu, theo bà Hạnh, xuất phát từ việc doanh nghiệp bị chính Hải quan và Cục thuế Hồ Chí Minh dừng hoạt động nhập khẩu kéo dài từ gần 6 tháng nay với lý do nợ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kéo dài. Việc bị cấm nhập này xuất phát từ yêu cầu của chính Hải quan chứ không phải công ty không thực hiện việc nhập khẩu.
“Chúng tôi đã có văn bản trao đổi với Cục Hải quan thành phố nhưng họ yêu cầu phải nộp đủ số thuế đang nợ mới cho phép thực hiện các hoạt động nhập khẩu trở lại”, bà Hạnh cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1/2022 đến 30/9/2022, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 6,52 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,83 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thông tin vừa gửi báo chí, Tổng cục Hải quan khẳng định, để tiếp tục tạo thuận lợi và rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu
Đồng thời bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7. Chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ngày 15/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP (Nghị định 67) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, có hiệu lực từ ngày 10/08/2020.
Theo đó, Tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu có 02 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thiện điều kiện theo quy định như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan. Tức là thời gian thực hiện sẽ tính từ ngày 10/08/2022.
Quy định này giúp cho cho cơ quan quản lý nắm được chính xác, kịp thời số lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thu đúng số thuế để nộp, nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp.
Triển khai Nghị định nêu trên, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản để đôn đốc doanh nghiệp và Hải quan đảm bảo thực hiện đúng nội dung, thời hạn quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cũng đã có thời gian 02 năm để chuẩn bị trước khi Nghị định 67 có hiệu lực đối với quy định về tiêu chuẩn bồn bể. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan cũng không nhận được phản ánh vướng mắc từ phía các doanh nghiệp khi triển khai Nghị định số 67/2020/NĐ-CP nêu trên.
Hiện nay, có 46 trên tổng số 52 kho xăng dầu đầu mối (chiếm gần 88,5%) đáp ứng quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ về việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động với cơ quan hải quan; 06 kho (chiếm 11,5%) chưa đáp ứng quy định.
Tường Vân