Doanh nghiệp 'khát' lao động phổ thông
BPO - Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, năm 2022, các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 ngàn lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao kể từ quý 2/2022, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất. Tuy nhiên, thị trường lao động tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Bình Phước đang ngày càng khan hiếm.
Bài 1:
CHỦ ĐỘNG TẠO NGUỒN TẠI CHỖ
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN khi hoạt động trở lại đã thiếu lao động trầm trọng. Có DN thực hiện các dự án lớn, đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng không tuyển dụng được lao động có kỹ năng và cả lao động phổ thông. Vì vậy, để thu hút và giữ chân lao động là bài toán đặt ra của các DN trên địa bàn Bình Phước hiện nay.
Nhiều lao động không trở lại làm việc
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty cổ phần sản xuất, dịch vụ và thương mại Phúc Thịnh, Khu công nghiệp (KCN) Đồng Xoài I, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài có 1.000 công nhân làm việc tại 4 phân xưởng chế biến gỗ. Đến nay, công ty chỉ còn 600 công nhân trở lại làm việc. Nhiều máy móc phải ngừng hoạt động vì không có công nhân vận hành.
Ông Lương Văn Hiển, Giám đốc công ty cho biết, trung bình mỗi tháng DN sản xuất trên 2.600m3 gỗ, xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Để đảm bảo lượng hàng xuất khẩu, công ty đang thiếu khoảng 400 lao động phổ thông. Theo kế hoạch, đầu năm 2023, công ty sẽ đưa vào hoạt động xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất, cần thêm 100 lao động có tay nghề cao.
Anh Nguyễn Quang Toản, quản lý Công ty cổ phần sản xuất, dịch vụ và thương mại Phúc Thịnh cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 40% công nhân ngoại tỉnh phải về quê tránh dịch, nay ngại quay trở lại, dẫn đến công ty thiếu nhiều lao động lành nghề. Để thu hút lao động vào làm việc, công ty đã liên hệ với các trung tâm dịch vụ việc làm, công ty tư vấn giới thiệu việc làm, hội, đoàn thể... DN còn thưởng cho những lao động mời gọi được bạn bè, người thân vào làm trong công ty, đặc biệt những lao động cũ. Đồng thời, công ty cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ như tăng lương, thưởng và nhiều chính sách khác. Hiện lương trung bình của lao động phổ thông trong công ty là 11 triệu đồng/người/tháng, lao động có kỹ năng là 14 triệu đồng/người/tháng.
Thiếu lao động phổ thông
Sau hơn 10 năm phát triển công nghiệp, bằng các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với DN, cơ sở hạ tầng các KCN và số lượng DN ngày càng lớn mạnh đã tạo sức hút cho người lao động. Hiện nay, Bình Phước có khoảng 72 ngàn lao động làm việc tại các KCN, khu kinh tế, trong đó 70% lao động trong tỉnh và 30% lao động ngoài tỉnh (Bình Dương, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Tây). Điều này cho thấy, Bình Phước đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người lao động trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số lượng lao động làm việc trong các KCN chưa đáp ứng yêu cầu nguồn lực của các DN. Để từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp giai đoạn "bình thường mới", nhiều DN tại Bình Phước đang tìm cách thu hút người lao động trở lại làm việc cũng như tuyển dụng lao động bị thiếu hụt sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài.
Bình Phước có 13 KCN, trong đó 11 KCN được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Sau 10 năm thực hiện chính sách phát triển công nghiệp, số lượng DN đầu tư vào KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể. Từ 115 dự án với vốn đầu tư đăng ký 506 triệu USD và 890 tỷ đồng vào năm 2012, đến nay tăng lên 364 dự án, vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,8 tỷ USD và gần 17.000 tỷ đồng. Trong đó, 271 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 93 dự án có vốn đầu tư trong nước. Hiện đã có 174 dự án đi vào hoạt động với nhu cầu cần khoảng 75 ngàn lao động phổ thông.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bình Phước đang cần hơn 20 ngàn lao động, trong đó có 200 lao động có kỹ năng, số còn lại là lao động phổ thông; những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, may mặc…
Ông Trần Đại Kỳ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Toàn tỉnh có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề. Trong đó, đào tạo chuyên sâu có 2 trường là Cao đẳng Bình Phước và Cao đẳng Công nghiệp cao su, còn lại là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đào tạo ngắn ngày và liên kết. Đứng trước nhu cầu thiếu lao động, trung tâm đã tiến hành thu thập thông tin của các DN, sau đó tư vấn cho lao động thất nghiệp về nhu cầu, vị trí việc làm để hỗ trợ DN tuyển dụng lao động sớm nhất. Ngoài ra, trung tâm cũng tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với các tỉnh để hỗ trợ tuyển dụng lao động cho DN.
Để từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các DN, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã chú trọng tăng cường công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như: Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện liên kết trong đào tạo nghề giữa DN với các trung tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; thực hiện đào tạo và cung ứng lao động theo địa chỉ… Tuy vậy, hiệu quả mang lại vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN.
Đối với mỗi DN, lao động chính là yếu tố sống còn. Nhưng để sở hữu được nguồn lao động lành nghề, quen việc, có chất lượng, đòi hỏi DN phải tạo được môi trường làm việc thân thiện với chế độ lương, thưởng, phúc lợi công bằng và hợp lý. Có như vậy mới nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Bởi rõ ràng, thiếu cơ chế ưu đãi, chính DN khó tuyển dụng được lao động có chất lượng. Và nếu tuyển dụng được thì cũng khó giữ chân lao động lâu dài. Thu hút lao động nói chung và ở ngoại tỉnh nói riêng đang là yêu cầu cấp thiết của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135480/doanh-nghiep-khat-lao-dong-pho-thong