Doanh nghiệp khổ lây vì công nhân mất khả năng trả nợ
Khi không thể trả nợ đúng hẹn, bản thân công nhân bị nhắn tin, gọi điện đe dọa khiến gia đình xào xáo, kinh tế kiệt quệ. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng bị liên đới.
Kể từ sau dịch COVID-19, đời sống, việc làm liên tục bị ảnh hưởng khiến nhiều công nhân rơi vào hoàn cảnh phải vay nóng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với mức lãi suất cao, nhiều người trong số họ mất khả năng chi trả, chậm trả nợ khiến bạn bè, đồng nghiệp, cán bộ nhân sự, thậm chí cả chủ doanh nghiệp bị vạ lây.
Tình trạng này diễn ra khá thường xuyên tại Công ty CP Seedcom Fashion Group (huyện Bình Chánh, TP HCM). Ông Lý Khánh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết tình trạng công nhân phải vay nóng diễn ra thường xuyên kể từ sau dịch dù Công đoàn và doanh nghiệp đã tuyên truyền về các hệ lụy khi vay nóng với lãi suất cao.
Khi không thể trả nợ đúng hẹn, bản thân công nhân bị nhắn tin, gọi điện đe dọa khiến gia đình xào xáo, kinh tế kiệt quệ. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng bị liên đới. Công ty liên tục nhận văn bản nhắc nợ từ chủ nợ của người lao động, số điện thoại cá nhân của cán bộ nhân sự, giám đốc công ty cũng bị rò rỉ, thường xuyên nhận tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu nhắc nhở công nhân trả nợ.
Điều đáng nói là không biết bằng cách nào, bên vay có thể nhanh chóng tra ra thông tin cá nhân của người lao động và người trong công ty. Có trường hợp công nhân vay nợ từ công ty cũ, vừa xin vào công ty và đóng BHXH được một tháng là ngay lập tức đã có văn bản đòi nợ gửi tới văn phòng công ty, có cả số điện thoại của ban lãnh đạo.
"Bị làm phiền bất kể giờ giấc, có hôm điện thoại của lãnh đạo công ty nhận hàng trăm cuộc gọi nhỡ cho đến khi điện thoại hết pin, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống buộc doanh nghiệp phải mời người lao động lên làm việc, tìm cách giải quyết" - ông Hoàng nói.
Tương tự, Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng bị "khủng bố" vì công nhân vay "tín dụng đen". Bà Đào Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay họ dùng nhiều số điện thoại gọi điện liên tục, ban đầu nói lời ngon ngọt để dò hỏi tình hình xem công nhân hiện còn làm việc tại công ty hay không. Khi phía công ty từ chối trả lời, họ quay sang đe dọa đủ kiểu khiến cuộc sống lẫn công việc của mọi người xáo trộn.
Bà Thúy cho biết gần đây nhất có trường hợp chị D.T.P.T., công nhân tại công ty vay 5 triệu đồng để giải quyết việc cá nhân, lãi mẹ đẻ lãi con khiến tiền vốn lẫn lời cộng dồn lên đến hàng trăm triệu đồng, không còn khả năng chi trả, chị T. chọn cách khóa máy để lẩn trốn. Sau nhiều lần liên lạc với chị T. nhưng không được, phía cho vay đã nhắn tin, gọi điện cho bộ phận nhân sự công ty yêu cầu ra mặt để giải quyết thay. Trong nội dung tin nhắn, còn kèm theo lời đe dọa "Trong quá trình thu hồi, mọi vấn đề xảy ra ảnh hưởng đến ông/bà và nơi làm việc tự chịu".
"Không chỉ gọi tôi, họ còn chuyển sang gọi cho người thân khác trong gia đình tôi. Có trường hợp họ còn khủng bố trên các nền tảng mạng xã hội bằng cách ghép ảnh xúc phạm danh dự khiến chúng tôi vừa hoang mang vừa phập phồng lo sợ" - bà Thúy bức xúc.
Bà Thúy cho biết thêm, ngay sau đó, phía công ty đã nhiều lần tổ chức các buổi phổ biến, tuyên truyền những hậu quả khôn lường của "tín dụng đen", nhưng tình hình chỉ im ắng được một thời gian, sau đó lại tái diễn.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trợ lý Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH xây dựng Hùng Vương (quận 10, TP HCM) cũng từng bị liên lụy khi công nhân công ty vay tiền từ app và mất khả năng chi trả do lãi suất quá cao vào mấy tháng trước. Khi đó, với vai trò là chủ tịch Công đoàn ông không chỉ bị làm phiền qua điện thoại mà còn bị bôi nhọ uy tín, hình ảnh trên mạng xã hội khiến ông rất bức xúc.
Từ chính những điều này, ông Thịnh mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xử lý mạnh tay với những app cho vay không đúng quy định của pháp luật đồng thời có thêm những nguồn vốn lãi suất phù hợp và dễ tiếp cận dành cho đối tượng là công nhân để họ không trở thành nạn nhân của "tín dụng đen