Doanh nghiệp khó thụ hưởng nguồn vốn vay lãi suất 0%

PTĐT - Quyết định 15 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 4/2020 quy định doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ được vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song đến nay, sau 2 tháng triển khai, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng.

Lao động ngành dệt may của tỉnh đối mặt với những khó khăn về việc làm và thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.

Lao động ngành dệt may của tỉnh đối mặt với những khó khăn về việc làm và thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.

Ngay đầu tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05, theo đó quyết định tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) làm nguồn vốn cho vay. Trong trường hợp đến hết ngày 31/7, Ngân hàng CSXH nếu không giải ngân hết sẽ phải hoàn trả NHNN số tiền không giải ngân được, chậm nhất đến ngày 15/8. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Nguyễn Thanh Tĩnh-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh: Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào được nhận hỗ trợ từ gói trợ cấp cho vay này. Ngay khi có thông tin về gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, đã có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu về chương trình, nhưng khi nắm bắt được nội dung, rà soát, tự đối chiếu các điều kiện, không thấy doanh nghiệp nào “phản hồi” lại. Một số quy định từ điều kiện, đến đối tượng được vay, mức hỗ trợ, thời hạn, thủ tục… là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh có đơn đề nghị vay.Được biết, các quy định về điều kiện, đối tượng được vay gói này do Bộ LĐ,TB&XH làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định. Sau đó, các địa phương sẽ xây dựng, phê duyệt danh sách doanh nghiệp được vay mà trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh ký, rồi chuyển sang Ngân hàng CSXH giải ngân cho vay.Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng nhận được thông tin: Thực tế chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn và khẳng định vấn đề không nằm ở nguồn tiền bởi ngân hàng đã chuẩn bị sẵn gói hỗ trợ này, còn Ngân hàng CSXH đang sẵn sàng giải ngân. Tiếp cận trực tiếp một số doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp đều cho rằng, quá trình xét duyệt hồ sơ cũng như những quy định về điều kiện để doanh nghiệp có thể thụ hưởng nguồn vốn vay lãi suất 0% này quá chặt chẽ, khó có doanh nghiệp đáp ứng được. Quyết định 15 của Chính phủ là chủ trương rất tốt, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để giữ nhân viên khi khởi động trở lại, song nhiều quy định về điều kiện mà phía doanh nghiệp không thể đáp ứng, nhất là điều kiện phải có từ 20% hoặc 30 lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, bởi trong thực tế, mặc dù dịch bệnh phải dừng hoạt động, nhưng không một doanh nghiệp nào dám để công nhân nghỉ liền một tháng. Doanh nghiệp đều phải hướng đến việc giữ chân công nhân, nên cho nghỉ luân phiên và có hình thức hỗ trợ lương.Các doanh nghiệp cho rằng, tỉnh có số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên sẽ có nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động, dẫn đến không đủ điều kiện vay. Hoặc việc gói vay chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đã trả trước 50% lương tối thiểu, theo đó, với mỗi lao động, doanh nghiệp chỉ có thể vay được thêm dưới 2 triệu đồng theo mức lương cơ bản. Nếu doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì số vốn vay quá ít, doanh nghiệp quy mô lớn lại không được vay nhiều. Một vấn đề mà doanh nghiệp cũng cho là khá rườm rà, đó là phần thủ tục, doanh nghiệp phải chứng minh được khó khăn về tài chính, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, cùng một số chứng minh về giấy tờ có liên quan khác... Nhiều doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào lĩnh vực kinh doanh, doanh thu của doanh nghiệp, mức độ thiệt hại (đơn hàng), số lượng lao động bị ngừng việc… để có thể xem xét cho vay gói hỗ trợ với lãi suất 0%.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202007/doanh-nghiep-kho-thu-huong-nguon-von-vay-lai-suat-0-171752