Doanh nghiệp khó tiếp cận gói 300.000 tỷ: Cần sự tương tác từ 2 phía
Lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp khuyên các thành viên nên chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra và đầu vào mới, phối hợp với các đơn vị cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương hỗ.
Đã có gần 1 triệu tỷ đồng được các ngân hàng giảm lãi suất từ 0,5-2,5%/năm cho các doanh nghiệp kể từ khi công bố dịch COVID-19 cho đến nay. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn vay với mức lãi suất thấp hơn cả lãi suất mà các ngân hàng đang huy động 1 năm.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kiến nghị với các hiệp hội của mình không tiếp cận được gói vay 300.000 tỷ đồng của ngành ngân hàng...
Ngân hàng chủ động tiếp cận doanh nghiệp
Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long trước đây trung bình doanh thu xuất khẩu khoảng 1,5 triệu USD nhưng từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh nghiệp chỉ được khoảng 800.000 USD.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết do dịch bệnh nên ảnh hưởng sang các nước châu Âu, thị trường Tây Ban Nha... Dự kiến, trong quý 2 doanh thu còn tiếp tục bị giảm một cách nặng nề.
Cũng theo ông Bình, trước tình như vậy, cán bộ BIDV Hà Thành đã chủ động làm thủ tục, hướng dẫn công ty được hưởng ưu đãi lãi suất tốt nhất và làm thủ tục giãn nợ cho công ty.
“Chúng tôi là doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên được vay với lãi suất là 5,5% và giờ đây ngân hàng đã giảm xuống cho công ty còn 5,3%/năm,” ông Bình chia sẻ.
Cũng tương tự như vậy, ông Bùi Thế Vinh, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Long cho hay hiện nay ngành xây dựng đang hoạt động cầm chừng dẫn đến việc hàng hóa đầu ra của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh thu 3 tháng đầu năm nay sụt giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi vẫn phải chi trả lương cho gần 200 cán bộ, dự kiến khó khăn còn kéo dài sang quý 2 và quý 3.
Ông Vinh cho biết: “Chúng tôi may mắn khi được ngân hàng hỗ trợ kịp thời ngay khi dịch bùng phát tư vấn rất sớm. Cụ thể, đối với các khoản vay đến hạn đã được ngân hàng giãn nợ và giảm lãi suất xuống còn 6,75%, đối với khoản vay mới chúng tôi cũng nhận được lãi suất ưu đãi là 6,75%. Ngoài ra, về thủ tục, ngân hàng rất tích cực hỗ trợ chúng tôi để hoàn tất, chỉ mất 3-5 ngày để hoàn thiện hồ sơ cho ngân hàng.”
Còn ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Hà cho hay với dư nợ tương đối lớn, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn thu.
“Trong lúc chúng tôi chưa biết xoay sở thế nào thì ngân hàng đã cử cán bộ xuống nhà máy đánh giá khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ. Doanh nghiệp phấn khởi đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành của ngân hàng,” ông Thể chia sẻ.
Cần tương tác giữa 2 chiều
Không được may mắn như những doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phàn nàn khó tiếp cận được gói ưu đãi lãi suất (gần 300.000 tỷ đồng) của các ngân hàng thương mại.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng nên có sự công bằng, toàn diện từ hai phía khi đánh giá về câu chuyện xoay quanh chủ đề tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp.
Theo phân tích của ông Bình, đối với ngân hàng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đây chính là áp lực rất lớn cho các ngân hàng nên quá trình triển khai sẽ có sự thận trọng nhất định để đảm bảo nhiều mục tiêu giải quyết được cùng lúc, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp vừa hạn chế tối đa các rủi ro.
Trong khi đó, có một số các doanh nghiệp đang than khó khi không thể tiếp cận nguồn vốn từ gói này. Để vay được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch COVID-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được ngay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực còn nhiều hạn chế.
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các ngân hàng đang triển khai đòi hỏi thiện chí của hai bên. Phía doanh nghiệp cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ.
“Theo quan điểm của tôi, việc nhiều doanh nghiệp kêu chậm được ngân hàng cơ cấu nợ, chậm tiếp cận gói 300.000 tỷ đồng có lẽ là tương đối nóng vội. Rõ ràng, vấn đề này đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung. Ví dụ, để hưởng ưu đãi giãn nợ, giảm lãi vay 1%-2%, doanh nghiệp nên chứng minh sự thiệt hại bởi COVID-19 chứ không nên coi đó là điều kiện, là thủ tục ngân hàng đưa ra để làm khó,” ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp nên họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn.
Để giảm sự “phụ thuộc” vào nguồn vốn ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ “nhắn nhủ” tới các chủ doanh nghiệp cần chủ động "thích ứng" với hoàn cảnh và tìm lối đi phù hợp, trong đó đặc biệt lưu ý cần nắm bắt các chính sách của Nhà nước để được tiếp cận với hỗ trợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra và đầu vào mới, phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương hỗ và chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp để tăng năng suất và giảm chi phí.
"Đây là thời gian quý giá để tư duy nên làm cái gì có lợi cho cả bản thân và cho cộng đồng doanh nghiệp, cho toàn xã hội. Một doanh nghiệp thành công thì phải đảm bảo cả lợi ích cho toàn xã hội," ông Thân nói.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cũng cho rằng, khoảng 2 tháng nữa thì ngân hàng cũng sẽ rơi vào khó khăn nên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay.
“Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn,” ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp rất đa dạng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp làm việc với VCCI và một số hiệp hội doanh nghiệp.
“Chúng tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo các Bộ trực tiếp trao đổi với Ngân hàng Nhà nước xử lý trực tiếp các vướng mắc, kiến nghị. Có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng rất khó khăn, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được xử lý. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn toàn quốc trực tiếp xử lý và tháo gỡ những kiến nghị. Tuy nhiên, những doanh nghiệp với phương án phải đảm bảo khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được xem xét,” Thống đốc nhấn mạnh./.