Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ khó khăn do dịch

Tại Hải Dương, sau hơn 1 tháng Nghị quyết 68 ra đời, mới chỉ có hồ sơ của 1 doanh nghiệp đủ điều kiện, được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gửi cấp Trung ương để phê duyệt cho vay.

Trong tổng số 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ có 7.500 tỷ đồng là nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đây thực sự là tín hiệu vui với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thế nhưng tại Hải Dương, sau hơn 1 tháng Nghị quyết 68 ra đời, mới chỉ có hồ sơ của 1 doanh nghiệp đủ điều kiện, được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gửi cấp Trung ương để phê duyệt cho vay. Nhiều doanh nghiệp dù đã nộp hồ sơ nhưng do chưa đáp ứng quy định nên buộc phải bổ sung. Có doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ đến 7 lần. Mỗi lần như vậy là cả một “núi” công việc liên quan, từ xin xác nhận của ngành này đến chữ ký của ngành nọ. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề trong triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

So với Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ, Nghị quyết68 đã nới lỏng một số điều kiện đối với người sử dụng lao động như bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp; giảm điều kiện ngừng việc từ 1 tháng xuống còn 15 ngày liên tục. Nghị quyết này cũng bổ sung một chính sách mới, đó là doanh nghiệp được vay trả lương người lao động khi khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Dù thủ tục, hồ sơ, điều kiện được cắt giảm nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn gặp vướng mắc. Để được vay vốn theo Nghị quyết 68, doanh nghiệp phải bảo đảm các tiêu chí như không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn, có người làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn. Đây là rào cản để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này bởi trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp ít nhiều đều vướng vào tiêu chí nợ xấu tại ngân hàng. Trong khi đó, quy định của gói hỗ trợ chưa đề cập rõ mức độ hay nhóm nợ xấu.

Tương tự, điều kiện về quyết toán thuế cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Để hỗ trợ, ngành thuế đã cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được gia hạn quyết toán thuế năm 2020. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chưa quyết toán thuế thì không thể tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Còn nhớ khi thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ban hành tháng 4.2020, toàn tỉnh chỉ có 5 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn với tổng dư nợ gần 500 triệu đồng. Hàng loạt vướng mắc đã được chỉ ra, rõ nhất là việc các điều kiện quá ngặt nghèo khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng. Những điều kiện đó dù cơ bản được nới lỏng tại Nghị quyết 68 nhưng cũng chưa tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng từ những khó khăn đó, không ít doanh nghiệp đã thờ ơ, không quan tâm tới các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Thực tế đáng buồn này nếu không được xử lý rốt ráo sẽ tạo ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp nói riêng, người dân nói chung mỗi khi một chính sách hỗ trợ mới được ban hành.

Để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 68, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp cần hướng dẫn chi tiết, đầy đủ ngay từ đầu để giảm tối đa việc doanh nghiệp phải điều chỉnh, bổ sung hồ sơ nhiều lần. Ngân hàng này cũng cần phối hợp các đơn vị liên quan như Ngân hàng Nhà nước, ngành thuế để làm rõ những điều kiện được nêu theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 sao cho bảo đảm mục tiêu cao nhất là hỗ trợ doanh nghiệp. Những điều khoản chồng chéo, chưa rõ ràng cần được quy định rõ. Những “nút thắt” nói trên nếu chậm xem xét, kiến nghị để tháo gỡ, phù hợp điều kiện thực tế sẽ khiến chính sách hỗ trợ “chỉ có trên báo chí”.

LÊ TRẦN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/doanh-nghiep-kho-tiep-can-goi-ho-tro-kho-khan-do-dich-175478