Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài nhất là các nhà đầu tư trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Trong vài năm gần đây, với nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp được Chính phủ và các ngành chức năng thực hiện đã giúp hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam trở nên triển vọng hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư trong khu vực châu Á.
SmileGates - SGI, một trong những quỹ đầu tư tư nhân mạo hiểm lớn nhất Hàn Quốc, với tổng tài sản tích lũy khoảng 1,2 tỷ USD và đang đầu tư vào khoảng 170 công ty, vừa ra mắt một quỹ đầu tư chuyên dành cho các startup Việt Nam với tên gọi “SmileGates Vietnam Kairos Fund #1”. SGI đóng vai trò cầu nối để kết nối các startup Việt với 170 công ty trong danh mục đầu tư của họ trên khắp thế giới và ngược lại. Tùy vào tình hình hoạt động của quỹ này, SGI có thể mở thêm một trung tâm ươm mầm khởi nghiệp ngay tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch SGI - ông Kyounghwan Kim - không phải tới bây giờ SGI mới chú ý tới thị trường khởi nghiệp Việt Nam mà cách đây 12 năm họ đã thử tiếp cận tuy nhiên không thành công. Năm ngoái, quay trở lại thị trường Việt Nam và sau nửa năm chuẩn bị, SGI đã cho ra đời quỹ “SmileGates Vietnam Kairos Fund #1”. Cho đến lúc này hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam đã thực sự trên đà phát triển mạnh, rất tiềm năng và triển vọng.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 5/2019, Trung tâm Hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) trực thuộc Bộ Khoa học công nghệ Hàn Quốc đã khai trương văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Việt Nam là nước duy nhất KICC đặt tới 2 văn phòng đại diện (văn phòng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). KICC tại TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ hỗ trợ các startup Hàn Quốc vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, kết nối các hoạt động hợp tác phát triển của các startup Hàn - Việt, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao...
Ngoài Hàn Quốc, người Thái cũng đánh giá cao tiềm năng của các startup Việt. Chứng minh cho điều này, Kbank - một trong những ngân hàng lớn của Thái Lan cũng vừa mở chi nhánh đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Năm ngoái, Kbank đã lập Công ty đầu tư Kasikorn Vision với tổng vốn lên đến 245 triệu USD, đồng thời thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đổi mới trên khắp thế giới và Việt Nam là một trong những địa điểm được chọn. Đánh giá của Kbank cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một trong những trung tâm khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực và trên thế giới, có 3.000 công ty khởi nghiệp và hệ sinh thái đang trên đà phát triển.
Công nghệ tài chính - fintech là lĩnh vực mà Kbank quan tâm nhất đang phát triển nhanh chóng với nhiều khả năng mở rộng. Sở dĩ các startup Việt về fintech nói riêng và công nghệ nói chung tăng trưởng nhanh như thế là nhờ họ có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, với các nguồn lực cấp tiến xung quanh các chính sách của chính phủ, tài năng công nghệ nội địa và vốn đầu tư trong nước, quốc tế. Đánh giá của Kbank cho thấy, trong 2 năm qua có khoảng 120 triệu USD đầu tư nước ngoài đã đổ vào lĩnh vực fintech của Việt Nam và Kbank dự đoán, giá trị thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD vào năm 2020.
Cơ hội đón vốn đầu tư của các startup Việt còn đến từ các quỹ đầu tư Singapore. Cụ thể Cocoon Capital (Singapore) đã ra mắt nguồn quỹ 20 triệu USD dành cho startup ở Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ y tế (medtech). Quỹ đặt mục tiêu rót vốn 25-30 thương vụ tập trung vào các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Myanmar, Philippines và Indonesia.