Doanh nghiệp không bó tay trước các quy định gây khó

Với doanh nghiệp, khó khăn từ thiếu đơn hàng, các điều kiện xuất khẩu ngặt nghèo hơn… vẫn không thể so được với những quy định khó lý giải mà họ buộc phải tuân thủ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không đầu hàng các quy định gây khó.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Bá Hải (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh

Không thể phá sản

“Chúng tôi chỉ còn khoảng 2 tháng nguyên liệu để sản xuất, nếu Bộ Khoa học và Công nghệ không sớm gỡ Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ”, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Tuấn Đạt (Hà Nội) lên tiếng.

Ông là một trong 33 doanh nghiệp đang nắm khoảng 60% thị phần thép không gỉ ký tên trong văn bản kiến nghị xem xét lại quy định của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN, đồng thời cũng là doanh nghiệp có nhiều ý kiến trong cuộc họp về nội dung này với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng vào cuối tháng 6/2020.

“Chúng tôi cám ơn Tổng cục đã gặp doanh nghiệp để ghi nhận khó khăn, nhưng chúng tôi cần câu trả lời ngay, nếu chậm, chúng tôi phải ngừng sản xuất. Không ai muốn như vậy”, ông Mạnh nói.

Thực ra, ông Mạnh đang né tránh dùng những từ ngữ nghiệt ngã hơn, đó là sa thải lao động, phá sản… mà nhiều đồng nghiệp của ông đã rất đau lòng phải nhắc tới trước đó.

Khó khăn bắt đầu từ ngày 1/6/2020, khi Điều 4, Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ có hiệu lực. Điều này quy định thép không gỉ thuộc các mã HS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 20:2019/BKHCN phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khác khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Với quy định này, các doanh nghiệp cho rằng, tới 90% lượng thép không gỉ dạng nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam lâu nay sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu, vì đây là các loại thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn do doanh nghiệp đăng ký.

Vấn đề là, hàng rào kỹ thuật này chặn phôi nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, nhưng lại không áp dụng cho hàng hóa được sản xuất từ chủng loại thép này. Đó là chưa kể, các sản phẩm được sản xuất từ chủng loại thép không gỉ chỉ có tiêu chuẩn do doanh nghiệp công bố vẫn đang được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ…

“Chúng tôi vừa gửi tiếp kiến nghị tới Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, có kèm theo các giấy tờ chứng minh thực tế doanh nghiệp đang làm, so sánh thành phần hóa học giữa nguyên liệu áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, do doanh nghiệp công bố mà chúng tôi đang nhập với tiêu chuẩn Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin mà cơ quan quản lý cần, chỉ mong các quyết định được xem xét trên cơ sở thực tế, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm làm ăn”, ông Mạnh thẳng thắn.

Khốn khổ vì câu chữ

Giữa tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản chế biến và sơ chế. Trong văn bản do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, giải quyết, hướng dẫn về kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhằm góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, đặc biệt khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của Covid-19.

Trước đó, VASEP đã kiến nghị cho phép chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến âm18 độ C, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng được xem là hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản. Đi cùng với kiến nghị này là các điều kiện phân định sản phẩm sơ chế, chế biến trong các văn bản liên quan đến chế biến thực phẩm. Thậm chí, VASEP đã trích cả quy định về ngành công nghiệp chế biến trong Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam…

Lý do của đề nghị dài dòng và mang tính học thuật trên là các doanh nghiệp sản xuất 3 nhóm sản phẩm trên đang bị các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành thuế áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, trong khi doanh nghiệp cho rằng, họ thuộc diện hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 15%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP kể, đầu tháng 6/2020, các doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau đã nhận được Thông báo 1057/TB-CT của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản.

“Bất ngờ là đa số sản phẩm thủy sản chế biến của các doanh nghiệp bị quy là sơ chế, khiến họ không được hưởng ưu đãi thuế. Đây là lý do chúng tôi buộc phải có văn bản kiến nghị gấp. Chúng tôi đã có văn bản gửi Cục Thuế Cà Mau, đề nghị xem lại việc xác định thế nào là sơ chế và chế biến. Giờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kiến nghị thêm. Hy vọng từ ngữ được hiểu rõ ràng, thống nhất”, ông Nam nói.

Chấp nhận đối mặt

Cũng phải nói thêm, những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 vẫn chưa dừng lại. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.681.499 tỷ đồng (giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2019); có 56.227 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019). Đó là chỉ dấu cho thấy, bất an do đại dịch đang đè nặng lên vai doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đơn hàng giảm mạnh, điều kiện bên mua hàng khắt khe hơn về an toàn vệ sinh, kiểm dịch, nhưng lại chậm trễ hơn trong thanh toán. Có nhà mua hàng yêu cầu thời hạn thanh toán tới 120 ngày, thay vì 60 ngày theo thông lệ...

Đặc biệt, các kế hoạch trở lại thị trường nội địa của nhiều doanh nghiệp không hề dễ dàng do thiết kế nhà máy sản xuất quy mô lớn phục vụ xuất khẩu khác hoàn toàn với sản xuất quy mô nhỏ phục vụ nội địa.

“Lúc này, doanh nghiệp chỉ mong dành hết sức để lo đơn hàng, chứ không phải mất thời gian kiến nghị, khiếu nại vì văn bản không rõ ràng. Đây là lý do chúng tôi buộc phải gửi văn bản nhiều lần”, ông Nam lý giải.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp khác cũng đang làm như vậy.

Giải pháp cắt giảm chi phí logistics

Sáng mai (9/7), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VDA) có buổi làm việc trực tuyến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương bàn về các giải pháp cắt giảm chi phí logistics, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, chi phí logistics đang chiếm tới trên 25% giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam. Ở một số mặt hàng, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.

Tính riêng chi phí vận tải quốc tế cho 1 kg thanh long sang Mỹ khoảng 3,5 USD/kg. Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/kg, thì riêng chi phí logistics vận tải quốc tế đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-khong-bo-tay-truoc-cac-quy-dinh-gay-kho-d125425.html