Doanh nghiệp không mặn mà với trái phiếu quốc tế

Sau những biến động thị trường tài chính và bất động sản trong nước, lãi suất USD tăng cao đã khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với phát hành trái phiếu quốc tế.

Novaland mới đây công bố thông tin liên quan đến khoản nợ 300 triệu USD đang niêm yết tại Singapore. Theo đó, doanh nghiệp đã trao đổi với nhóm trái chủ về những khó khăn trong thanh khoản dẫn đến chưa thể hoàn thành đúng hạn nghĩa vụ trả lãi 7,8 triệu USD.

Novaland đã và đang đề xuất, thương lượng với nhóm trái chủ Ad Hoc Group về phương án tái cơ cấu cho khoản nợ trái phiếu này, phù hợp với khả năng hiện tại và lộ trình khôi phục hoạt động kinh doanh của công ty, với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn quốc tế và trong nước như Deloitte, Sidley Austin LLP và YKVN.

Trước đó, Ad Hoc Group - đại diện cho nhóm trái chủ nắm giữ hơn 75% lô trái phiếu nói rằng sẽ có động thái mới nếu Novaland không đàm phán tái cơ cấu nợ một cách thiện chí.

Lô trái phiếu trên được Novaland phát hành năm 2021, không có tài sản đảm bảo và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore kỳ hạn 5 năm, với lãi suất 5,25% mỗi năm.

Các khoản vay bằng trái phiếu vẫn đang là một gánh nặng lớn của Novaland. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp này ghi nhận dư nợ trái phiếu hơn 22.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm đầu năm.

Biến động thị trường tài chính và thị trường bất động sản trong nước ảnh hưởng nặng đến các khoản trái phiếu quốc tế đã phát hành. Đồng thời mặt bằng lãi suất USD tăng cao so với hai năm trước khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.

Tại Đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 5, Tập đoàn Đất Xanh tuyên bố dừng triển khai phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Đây là kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2021. Giá trị trái phiếu công ty dự kiến phát hành là 300 triệu USD.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, dù toàn bộ công tác chuẩn bị cần thiết để chào bán trái phiếu đã được hoàn thành, song tình hình thị trường tài chính từ nửa cuối năm 2022 tới nay không phù hợp nên Đất Xanh dừng triển khai.

Một doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu quốc tế cũng đã tái cơ cấu lại khoản vay nhằm hưởng lợi suất tốt hơn và kỳ hạn dài hơn. Ngày 17/8/2023, Công ty Bất động sản BIM (BIM Land) thông báo đã mua lại trước hạn 99 triệu USD, một phần của lô trái phiếu trị giá 200 triệu USD phát hành năm 2021.

Ngay sau đó, BIM Land công bố đã phát hành thành công lô trái phiếu mới tại thị trường trong nước quy mô 2.330 tỷ đồng, lãi suất ban đầu 10,4%năm và kỳ hạn 7 năm.

Các khoản tài trợ nước ngoài sắp tới dành cho BIM Land cũng sử dụng đồng nội tệ. IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới vừa cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ cho BIM Land và công ty con là Công ty Thanh Xuân phát hành.

Một số tổ chức từng huy động trái phiếu quốc tế trong giai đoạn lãi suất tốt vẫn duy trì trạng thái nắm giữ. Tháng 9/2021, Công ty VinPearl đã phát hành lô trái phiếu quốc tế 425 triệu USD có quyền chọn nhận cổ phiếu VIC. Lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất ở mức thấp chỉ 3,25%/năm, được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Tương tự, Công ty Phú Mỹ Hưng hiện vẫn đang duy trì lô trái phiếu quốc tế huy động năm 2021. Lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn cuối năm 2026, có tổng giá trị phát hành là 150 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp hầu như không còn nhắc tới hoạt động phát hành trái phiếu để huy động vốn quốc tế.

Theo các công ty phân tích, hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế hiện nay không thực sự có lợi với các doanh nghiệp. Bên cạnh những tiêu chuẩn cao về quy trình phát hành hay xếp hạng tín nhiệm, lãi suất USD hiện cũng ở mức cao.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) ước tính, lãi suất phát hành danh nghĩa của các đợt phát hành quốc tế này chừng 4%-5,5%/năm, cộng với biến động tỷ giá mỗi năm khoảng 2%-3%/năm và các chi phí liên quan đến phát hành khoảng 2%-3%/năm.

Như vậy khi tính ra nội tệ thì lãi suất thực tế phát hành trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam là khoảng từ 8-11,5%/năm. Đây là mức lãi suất vừa phải so với lãi suất vay vốn trung và dài hạn (5 năm) của các ngân hàng thương mại hiện nay.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-khong-man-ma-voi-trai-phieu-quoc-te-1695802286778.htm