Doanh nghiệp không nên chần chừ, 'câu giờ'
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ khi yêu cầu áp dụng HĐĐT tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Do đó, doanh nghiệp không nên chần chừ, 'câu giờ' trong việc triển khai phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng.
Sử dụng hóa đơn điện tử "trơn tru", doanh nghiệp hưởng lợi Phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu - giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài Cửa hàng xăng dầu cần chấp hành việc lập hóa đơn điện tử cho khách hàng
PV: Thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, từ 1/7/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức vận hành giải pháp phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của tập đoàn, trên toàn quốc. Ông đánh giá ra sao về động thái này của Petrolimex?
Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng, việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng khẳng định tính chuyên nghiệp của Petrolimex trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Việc Petrolimex tiên phong vận hành giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng phù hợp với xu thế và đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Không những vậy, động thái này của Petrolimex còn phù hợp với xu hướng của nền kinh tế số nói chung và công tác tài chính kế toán nói riêng.
Việc áp dụng HĐĐT của Petrolimex sẽ giúp cho tập đoàn này tiết kiệm thời gian chi phí tuân thủ pháp luật, cũng như hạn chế các sai sót trong quản lý và sử dụng hóa đơn; đặc biệt là giảm thiểu các khoản chi phí liên quan đến lưu trữ, sử dụng, quản lý và giao nhận hóa đơn…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng giúp công tác quản lý nhà nước được công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng chục nghìn cửa hàng xăng dầu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chưa thực hiện xuất HĐĐT ngay khi bán hàng. Doanh nghiệp cho rằng, điều này không cần thiết, làm tăng chi phí, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ông bình luận gì về quan điểm này?
Ông Nguyễn Văn Được: Về nguyên tắc đúng là xuất hóa đơn từng lần sẽ phát sinh chi phí vận hành, lưu trữ và quản lý hóa đơn so với việc xuất hóa đơn tổng hợp theo ngày.
Tuy nhiên, về cái lợi dài hạn và về quản lý vĩ mô cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng với các ngành nghề khác thì việc thực hiện xuất hóa đơn từng lần là việc doanh nghiệp nên làm và cần làm ngay.
Trong thực tế đa phần các ngành hàng đều phải xuất hóa đơn từng lần khi bán hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ số ít là đặc thù. Mặt khác, hoạt động kinh doanh xăng dầu có liên quan đến người tiêu dùng là cá nhân (B2C) nên việc áp dụng quy định xuất hóa đơn từng lần là hợp lý.
Việc áp dụng HĐĐT, không chỉ là giải pháp hiệu quả trong việc quản lý và thu thuế của Nhà nước, tạo sự minh bạch, công khai trong kê khai nộp thuế của người bán, mà còn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng được nhận hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ theo quy định.
Việc này nên làm để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng thực hiện được các quyền khiếu nại, khiếu kiện theo pháp luật bảo vệ người tiêu dùng khi mua phải xăng giả, xăng kém chất lượng cũng như các hành vi gian lận bơm thiếu, bơm sai hoặc các hành vi về giá khác…
Ngoài ra, việc áp dụng HĐĐT giúp tránh được các hành vi gian lận và việc mua bán hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Do xăng dầu là hàng hóa đặc thù nên không phải ai cũng có thể xuất được hóa đơn xăng dầu ngoài các doanh nghiêp có đủ chức năng kinh doanh theo quy định. Như vậy khi người bán đã bán xăng dầu và đã xuất hóa đơn cho người mua thì sẽ không còn lượng xăng dầu tồn đã bán nhưng chưa xuất hóa đơn để xuất cho bên thứ ba thực tế không mua hàng.
Mặt khác, việc xuất hóa đơn từng lần cũng tránh được việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của người mua.
PV: Người dân chưa thực sự có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, cùng với đó doanh nghiệp kinh doanh cũng lờ đi trách nhiệm phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Theo ông, cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp gì để làm thay đổi thói quen trên?
Ông Nguyễn Văn Được: Cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật bên cạnh những chế tài xử lý, để các đơn vị kinh doanh tham chiếu và từ bỏ các hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là cơ quan thuế cần thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện xuất hóa đơn của các đơn vị nói chung và đơn vị kinh doanh xăng dầu nói riêng để sớm phát hiện xử lý nghiêm minh tạo sự răn đe. Trong đó cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra theo chuyên đề, để chấn chỉnh các đơn vị không thực hiện và cố tình không thực hiện đúng quy định về việc lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Ở chiều ngược lại, cũng cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng nêu cao ý thức trách nhiệm lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ vừa là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc tố cáo và ngăn chặn các vi gian lận, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Mặt khác, chúng ta cần tuyên truyền rõ các lợi ích lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo vệ các quyền lợi của người tiêu dùng trong nhiều trường hợp cần thiết.
Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm với quyền lợi, để người tiêu dùng tham gia giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người bán thông qua hình thức xổ số hóa đơn như đã thực hiện với một số trường hợp đang thực hiện, nhằm khuyến khích và tạo thói quen cho người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Văn Được.