Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Khi đối thoại với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã nêu ra một số khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể, tỉnh cần tăng kết nối giao thông liên vùng, kết nối DN, hỗ trợ vốn, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành may mặc - thời trang ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.Thế

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành may mặc - thời trang ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: V.Thế

Trước những đề xuất của cộng đồng DN, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp rà soát và có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Để có thể tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian tới, chính quyền và DN trên địa bàn phải thực sự đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện mục tiêu phát triển chung của địa phương và cả nước.

Tạo thuận lợi về hạ tầng cho doanh nghiệp

Chủ tịch Liên đoàn DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho hay, vấn đề của các DN là mặt bằng sản xuất khó khăn. Tỉnh đang có chủ trương di dời nhà máy vào các khu sản xuất tập trung nên cần có số liệu thống kê số lượng DN có nhu cầu cụ thể và những cụm, khu công nghiệp mà DN có thể tiếp cận nhằm giải quyết mặt bằng sản xuất, kinh doanh đúng đối tượng. Bên cạnh đó, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, các ưu đãi cụ thể để DN biết và tham gia.

Một vấn đề nữa là thực tế tại một số cụm, khu công nghiệp, tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất sản xuất, kinh doanh so với quy hoạch trước đây còn chưa hợp lý với thực tế phát triển hạ tầng và nhu cầu của các DN. Liên đoàn kiến nghị UBND tỉnh cho rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất đối với khu, cụm công nghiệp còn dư địa quỹ đất quy hoạch cũ, chưa thay đổi nhằm tạo thuận lợi cho DN có thêm diện tích mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.

Theo Liên đoàn Doanh nghiệp Đồng Nai, đơn vị sẽ tích cực hơn trong việc làm cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng DN, phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ban, ngành để xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ DN trên địa bàn một cách hiệu quả hơn.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đầu tư Phương Trời (thành phố Biên Hòa) Tôn Đức Thịnh kiến nghị, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ về vốn cho các dự án đổi mới, sáng tạo, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh. Đồng thời, chuyển đổi một số cụm công nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng Nai hiện có cụm công nghiệp nghề gốm nhưng lĩnh vực này hiện thiếu nguyên liệu, thiếu nguồn lực nên không phát triển được, do đó kiến nghị chuyển đổi để lĩnh vực ngành nghề khác tiếp cận được mặt bằng sản xuất.

Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng đề xuất, cần có nhiều hơn nữa các chính sách để thúc đẩy kết nối giữa DN trong tỉnh và ngoài tỉnh, cụm Đông Nam Bộ, các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên địa bàn tỉnh và khu vực. Phát triển hệ thống logistics thông minh, kết hợp kho bãi hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (big data) để tối ưu vận chuyển, giảm chi phí phân phối…

Tăng đối thoại và đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp

Bên cạnh những vấn đề cụ thể, các DN trên địa bàn tỉnh mong muốn tỉnh đề xuất các giải pháp với Trung ương như: miễn giảm thuế thu nhập cho DN từ 3-5 năm, đồng thời được ưu đãi vốn vay có lãi suất thấp. Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và môi trường, nên quy định phù hợp với đối tượng ngành nghề, quy mô DN. Đơn cử như đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay cần có quy định cụ thể, rõ ràng ngay từ khi DN đầu tư về tiêu chí xử lý nước thải, khí thải… đúng theo yêu cầu, bởi hiện nay DN vẫn phải lập hồ sơ, đánh giá, cấp phép, kiểm tra mất rất nhiều thời gian. Các DN kiến nghị bỏ khâu thủ tục này, thay vào đó DN sẽ tự chịu trách nhiệm nếu không đáp ứng quy định hiện hành.

Chia sẻ cùng các DN, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức khẳng định, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Chiến lược của Đồng Nai là ưu tiên DN đầu tư vào lĩnh vực có công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Qua đó, giúp công nghiệp Đồng Nai phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Sự phát triển bền vững của địa phương không thể tách rời sự đồng hành, đóng góp của cộng đồng DN.

Tương tự, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng, để tăng trưởng cao, bền vững, Đồng Nai lấy khoa học công nghệ, sáng tạo làm động lực phát triển. Tỉnh mong muốn các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh phát huy tốt vai trò cánh tay nối dài của chính quyền, giúp chính quyền và DN gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với nhau. Điều này khẳng định tính nhất quán của địa phương trong việc coi trọng kinh tế tư nhân, tăng đối thoại, đồng hành cùng với DN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202503/doanh-nghiep-kien-nghi-thao-go-kho-khan-cho-san-xuat-d237be2/