Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nhập khẩu 'kêu khó' khi áp dụng Thông tư 10 Bộ Xây dựng?
Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành ngày 1/11/2024 có hiệu lực từ ngày 16/12/2024 không chỉ là bước tiến trong việc nâng cao chất lượng vật liệu xây dựng, mà còn là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một ngành xây dựng Việt Nam vững mạnh; bền vững và cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nhập khẩu đang 'kêu khó' vì tiềm ẩn những vướng mắc?
Theo đánh giá của các chuyên gia về vật liệu xây dựng cho thấy, Thông tư 10 có tầm quan trọng làm giảm nguy cơ sự cố trong xây dựng nhờ việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật liệu. Đảm bảo độ bền và tuổi thọ của các công trình hạ tầng và dân dụng. Đặc biệt, khi người tiêu dùng và các nhà đầu tư nhận thấy rằng các vật liệu xây dựng trên thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao; họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Điều này giúp thúc đẩy thị trường tiêu thụ và gia tăng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng...
Không những vậy, Thông tư 10 yêu cầu các sản phẩm phải được chứng nhận hợp chuẩn hoặc hợp quy. Giúp tạo ra một thị trường vật liệu xây dựng minh bạch và công bằng hơn. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thay vì lợi thế về giá rẻ từ những sản phẩm kém chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Tăng khả năng cạnh tranh của vật liệu xây dựng trong nước trên thị trường quốc tế.
Một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực nhận định, Thông tư 10 tạo môi trường kinh doanh minh bạch khi loại bỏ các sản phẩm không đạt chất lượng ra khỏi thị trường. Đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp tuân thủ quy định và các doanh nghiệp vi phạm. Ngoài ra, sẽ giúp cải cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu quả giám sát và kiểm tra các sản phẩm vật liệu xây dựng. Điều này giúp giảm thiểu các vấn đề tham nhũng và tiêu cực, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng.
Bên cạnh việc mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vật liệu xây dựng trong dài hạn… Thông tư 10 cũng bộc lộ những vấn đề được cho là ‘rào cản’ gây khó cho doanh nghiệp trong áp dụng thực hiện.
Theo đại diện 1 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực gạch cho biết, Thông tư 10 áp dụng với một loạt sản phẩm vật liệu xây dựng, bao gồm đá xây dựng, vật liệu gốc kim loại, vật liệu gốc hữu cơ, gỗ và các sản phẩm trung gian để sản xuất vật liệu xây dựng. Những mặt hàng này bắt buộc phải được kiểm tra và chứng nhận hợp quy trước khi thông quan vào Việt Nam.
Theo khoản 3 Điều 8 của Thông tư, việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu phải dựa trên kết quả chứng nhận từ các tổ chức được Bộ Xây dựng chỉ định. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hoặc danh sách chính thức các đơn vị được chỉ định thực hiện việc này.
Quy trình chứng nhận hợp quy đối với hàng nhập khẩu gồm nhiều bước phức tạp như đăng ký hồ sơ, kiểm tra hồ sơ tại xưởng sản xuất, chọn mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và tiến hành đánh giá chất lượng. Đây là quy trình tốn nhiều thời gian và nguồn lực, trong khi thời gian từ lúc ban hành đến khi Thông tư có hiệu lực chỉ hơn 1 tháng.
"Thông tư được kỳ vọng sẽ nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu, đảm bảo tính minh bạch và an toàn. Tuy nhiên, thời gian áp dụng ngắn khiến nhiều doanh nghiệp và tổ chức lo ngại về khả năng thực hiện đầy đủ quy định này trong giai đoạn đầu triển khai’’ – đại diện doanh nghiệp băn khoăn.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng hóa nhập khẩu, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, căn cứ theo quy định hợp quy theo phương thức 05 yêu cầu kiểm tra trực tiếp tại nhà xưởng và quá trình sản xuất thực tế của nhà máy tại nước sản xuất, hiện tại có 04 đơn vị có thẩm quyền thực hiện là: Viện khoa học công nghệ xây dựng IBST; Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và Phân viện vật liệu xây dựng Miền Nam.
Với số lượng hàng nghìn doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực này, số lượng đơn vị có thẩm quyền thực hiện công tác hợp quy có giới hạn, nên việc sắp xếp thời gian đi thẩm định kiểm tra hết trong cùng một thời điểm là điều không thể. Việc này tạo nên tổn thất to lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu và khách hàng trong lĩnh vực.
Mỗi doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều có hàng chục nhà máy sản xuất tại các quốc gia khác nhau từ châu Á đến châu Âu, thậm chí thực tế còn có thể nhiều hơn, phát sinh rất nhiều chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp trong quá trình mời các đơn vị đi thẩm định. Bên cạnh đó trong thời gian chưa đi thẩm định được thì các công ty kinh doanh sẽ không có hàng hóa để giao hàng cho khách hàng, từ khách hàng bán buôn đến bán lẻ, hay cả những khách hàng là những dự án đã ấn định thời hạn giao hàng khi ký hợp đồng cách đó nhiều tháng trước. Việc này khiến các doanh nghiệp không thể hoàn thành được những cam kết đã ký với khách hàng, không thể bàn giao công trình đúng hạn gây tổn thất rất nặng nề cho nhiều khách hàng, bao gồm cả các chủ đầu tư bất động sản và khách hàng cuối cùng là người mua nhà.
Ngoài ra các doanh nghiệp có nhiều hợp đồng đã ký kết từ các tháng trước khi Thông tư số 10/2024/TT-BXD có hiệu lực. Hàng hóa đã được vận chuyển theo tiến độ đã cam kết với các đối tác trong và ngoài nước. Có nhiều lô hàng không được thông quan vì thiếu thủ tục hợp quy sẽ bị ách tắc tại cảng, gây khó khăn cho việc vận hành tại cảng cũng như phát sinh rất nhiều chi phí và tổn thất cho doanh nghiệp - đại diện Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết.
Đồng quan điểm trên, Hội Nội thất Việt Nam cho rằng: Chính phủ, các Bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách kịp thời nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, ngày 11/12/2024, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện số 131/CĐ-TTG về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để giúp các doanh nghiệp được tạo điều kiện phát triển, cùng đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước’ – đại diện Hội nhấn mạnh và mong muốn Bộ Xây dựng, các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện và tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho các doanh nghiệp, mang lại sự ổn định cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên của Hội Nội thất nói riêng và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này nói chung.