Doanh nghiệp kinh doanh khí lo mất cân đối nguồn hàng, sợ cạnh tranh 'bẩn'
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87 về kinh doanh khí đang có một số quy định chưa phù hợp khiến doanh nghiệp sợ mất cân đối nguồn hàng và lo cạnh tranh 'bẩn'.
Tại hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí” diễn ra ở TP.HCM chiều 22/9, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam và các doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87/2018/NĐ-CP (Nghị định 87) của Chính phủ về kinh doanh khí.
Theo nhiều đại biểu tham dự Hội thảo, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87 về kinh doanh khí đang có một số quy định chưa phù hợp khiến doanh nghiệp sợ mất cân đối nguồn hàng và lo cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Trần Anh Khoa, Ban Nguồn và Phát triển thị trường Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, hiện nay, lĩnh vực kinh doanh khí tại Việt Nam đang có các sản phẩm như: LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), KTA (khí nhiều thành phần), CNG (khí nén tự nhiên). Những sản phẩm này đang được quản lý, vận hành theo Nghị định 87.
Ông Khoa cho rằng, sau gần 5 năm thực hiện, việc rà soát và sửa đổi Nghị định số 87 là hết sức cần thiết để cập nhật những thay đổi của thị trường, điều chỉnh những vấn đề bất cập gây khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh khí. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 87 vẫn có nhiều quy định chưa phù hợp.
Cụ thể, tại dự thảo, quy định quyền và nghĩa vụ đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu khí như sau: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật “có cầu cảng hoặc hợp đồng thuê cầu cảng”; “có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khí”...
Theo ông Khoa, nếu chiếu theo quy định tại dự thảo thì sẽ có rất nhiều thương nhân kinh doanh LPG hiện nay đáp ứng đủ điều kiện để trở thành thương nhân xuất nhập khẩu LPG do không cần phải sở hữu cơ sở vật chất như cầu cảng, kho, hệ thống phân phối, trạm chiết nạp, chai LPG. Và việc thuê kho LPG đi kèm cầu cảng hiện nay là khá dễ dàng.
“Hiện nay có khoảng 47 thương nhân xuất nhập khẩu và sẽ có thêm nhiều thương nhân khác trong lĩnh vực LPG. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề như mất cân đối nguồn hàng trên thị trường và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”, ông Khoa nói.
Phân tích về việc mất cân đối nguồn hàng trên thị trường, ông Khoa chia sẻ, khi có quá nhiều thương nhân tham gia vào khâu nhập khẩu và phân phối nguồn LPG cho thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn hàng.
Cụ thể, khi giá LPG có biến động theo chiều hướng xấu (giá giảm), một số thương nhân sẽ không nhập khẩu hàng gây nên tình trạng thiếu hàng trên thị trường. Khi giá tăng, các thương nhân sẽ tăng cường nhập hàng dẫn đến tình trạng thừa hàng.
Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu LPG của Việt Nam phụ thuộc từ 62 - 65% nguồn LPG nhập khẩu. Nếu không có quy định ràng buộc về nghĩa vụ nhập khẩu, dự trữ và lưu thông LPG đối với thương nhân thì rất dễ gây nên tình trạng thừa - thiếu hàng cục bộ. Đặc biệt là những thời điểm thiếu hàng trầm trọng khi nguồn cung LPG thế giới khan hiếm và các thương nhân xuất nhập khẩu quy mô nhỏ không có hợp đồng nhập khẩu LPG dài hạn.
Phân tích về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Khoa cho biết, khi có quá nhiều thương nhân tham gia vào quá trình phân phối nguồn sẽ xảy ra tình trạng tăng/giảm giá bán bất thường, gây rối loạn thị trường.
Theo ông Khoa, đặc thù của thị trường LPG là giá bán được điều chỉnh hàng tháng và Nhà nước không can thiệp vào giá bán của thương nhân. Do đó, khi giá LPG thế giới có xu hướng giảm mạnh sẽ xảy ra tình trạng bán tháo hàng, cắt lỗ và ngược lại.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các thương nhân có đầu tư cơ sở vật chất như kho cảng, trạm chiết, sở hữu thương hiệu chai LPG và có hệ thống phân phối do giá mua/bán trên thị trường liên tục tăng giảm một cách bất hợp lý.
Ông Khoa cho rằng, nếu theo quy định tại dự thảo thì thương nhân xuất nhập khẩu LPG sẽ không thể hiện được vai trò của thương nhân đầu mối trong chuỗi hệ thống phân phối LPG từ khâu đầu đến khâu cuối do không cần phải tham gia bán lẻ chai LPG.
Còn đối với việc kinh doanh LNG, dự thảo không quy định về công suất bồn chứa LNG nên việc trở thành thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu LNG sẽ dễ dàng hơn vì có thể thuê các bồn chứa nhỏ có dung tích khoảng 40 - 50 m3. Như vậy, thương nhân xuất nhập khẩu LNG không thể hiện được vai trò của thương nhân đầu mối cung cấp nguồn.
Đại diện PV GAS kiến nghị bổ sung các vướng mắc nêu trên với dự thảo và đề xuất thương nhân xuất nhập khẩu khí phải sở hữu cơ sở vật chất (có kho/bồn chứa), đề nghị Bộ Công Thương có quy định về công suất tối thiểu đối với bồn chứa LPG và LNG.
Đối với thương nhân xuất nhập khẩu LPG, ngoài việc phải sở hữu bồn chứa LPG thì phải tham gia trực tiếp vào khâu kinh doanh bán LPG chai (sở hữu chai LPG, thương hiệu riêng) và có hệ thống phân phối.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đã ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và tổng hợp báo cáo gửi đại diện Bộ Công Thương trình Chính Phủ.