Doanh nghiệp là chủ thể tiên phong trong chuyển đổi kinh tế tuần hoàn
Trong hành trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp không chỉ là người tham gia, mà phải là chủ thể tiên phong, dẫn dắt từ thiết kế sản phẩm đến tái chế, biến chất thải thành tài nguyên quý giá.

Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”
Ngày 22/7/2025, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”.
Kinh tế tuần hoàn: Chìa khóa biến rác thải thành tài nguyên
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, cho biết tại Việt Nam, thách thức về rác thải và ô nhiễm môi trường đang ngày càng cấp bách. Mỗi ngày, 70.000 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra, nhưng hơn 70% trong số đó vẫn bị chôn lấp và đốt bỏ. Đây là những phương pháp lỗi thời, không chỉ lãng phí đất đai, nguồn lực mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng đất, nước và không khí. Đáng chú ý, phần lớn lượng rác thải này hoàn toàn có thể được tái chế, tái sử dụng nếu có cơ chế phân loại hiệu quả ngay từ nguồn.
Để đưa kinh tế tuần hoàn từ chính sách đến hành động, vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu. TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp phải là chủ thể tiên phong từ khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cho đến tái chế và xử lý chất thải sau tiêu dùng".
Đây cũng là tầm nhìn mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực theo đuổi. Đơn cử, Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam - doanh nghiệp chuyên về xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ, đã triển khai khoảng 200 dự án lò đốt rác tại 34 tỉnh thành.
TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam, cho rằng việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các nhà máy xử lý rác là "đầu cuối của chu trình tái chế và tái sử dụng chất thải". T-TECH tập trung vào giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng, tối đa hóa việc phân loại rác thải có giá trị để tái chế thay vì đốt bỏ hoàn toàn. Đặc biệt, với lượng rác trên 200 tấn, T-TECH đã biến phần rác đốt thành nhiên liệu phát điện, hướng tới mô hình tuần hoàn gần như không còn chôn lấp.
Ngành thủy sản Việt Nam, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chất lượng con giống chưa ổn định, chi phí đầu vào cao, đến áp lực "thẻ vàng IUU" của EU và những yêu cầu khắt khe về môi trường, lao động từ các thị trường nhập khẩu.
Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là giải pháp chiến lược để ngành thủy sản vượt qua những thách thức này, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.
Bà Hằng nhấn mạnh: "Kinh tế tuần hoàn giúp ngành thủy sản Việt Nam giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng hội nhập thị trường toàn cầu".
Các mô hình và giải pháp kinh tế tuần hoàn đang được ngành thủy sản Việt Nam áp dụng như hệ thống tuần hoàn nước khép kín (RAS) giúp giảm ô nhiễm, tiết kiệm nước và kiểm soát môi trường nuôi sạch, an toàn, đặc biệt trong nuôi tôm thâm canh. Các mô hình như nuôi tôm - lúa, trong đó rơm rạ được tái chế thành phân bón cho lúa và thức ăn cho tôm, chất thải từ tôm được dùng làm phân bón cho lúa, tạo thành một chu trình khép kín.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Nó giúp tối ưu chi phí, tăng khả năng thích ứng, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp sinh thái.
Cần hành động quyết liệt hơn
Theo bà Lê Hằng, mặc dù tiềm năng lớn, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản còn đối mặt với nhiều thách thức. Hầu hết doanh nghiệp thủy sản tiếp cận tín dụng dựa trên uy tín, chứ không phải các chương trình ưu đãi hay tín dụng xanh, thiếu hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả, cũng như hạ tầng để xử lý chất thải hoặc chuyển giao công nghệ tuần hoàn. Các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư mạnh vào công nghệ và kinh tế tuần hoàn như các doanh nghiệp nước ngoài.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần có một chiến lược rõ ràng, cùng với các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng xanh hiệu quả, tạo điều kiện đầu tư hạ tầng để xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ tuần hoàn. Cần có sự đồng bộ hóa dữ liệu từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, xây dựng nền tảng quốc gia để xác thực nguồn gốc sản phẩm, áp dụng công nghệ như blockchain để đảm bảo minh bạch và chống gian lận hiệu quả hơn.
Theo TS. Nguyễn Đình Trọng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt sau Đại hội Đảng XIII và những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có những thay đổi đột phá trong tư duy và chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý chất thải.
"Tôi kiến nghị Trung ương và các địa phương sớm xây dựng một bản đồ quy hoạch xử lý chất thải thông minh. Thay vì chỉ là các nhà máy hay khu liên hợp xử lý đơn thuần, các khu vực tập trung lượng rác thải lớn (trên 200 tấn/ngày) như các khu kinh tế, đô thị lớn nên được quy hoạch thành khu kinh tế tái chế. Đây sẽ là những trung tâm không chỉ xử lý rác thải mà còn là nơi thúc đẩy đầu tư công nghệ, tăng cường tỷ lệ tái chế, biến chất thải thành tài nguyên kinh tế. Mô hình này không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước", TS. Nguyễn Đình Trọng chia sẻ.
Theo chuyên gia này, Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ nhanh chóng. Các chính sách đi vào cuộc sống chưa nhanh. Cụ thể, việc ban hành các tiêu chí xanh cho sản xuất, doanh nghiệp hay tiếp cận vốn tín dụng xanh vẫn còn vướng mắc, làm cản trở dòng chảy vốn hỗ trợ các dự án bền vững.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, TS. Nguyễn Đình Trọng khuyến nghị Trung ương và các địa phương cần mạnh dạn "đặt hàng" các doanh nghiệp có năng lực công nghệ và nền tảng sản xuất kinh doanh vững chắc trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Thay vì chờ đợi, Nhà nước cần tin tưởng, hỗ trợ và giao nhiệm vụ cụ thể cho những doanh nghiệp này phát triển, tạo đà cho sự bứt phá của nền kinh tế xanh nội lực. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và cạnh tranh hiệu quả trên trường quốc tế.