Doanh nghiệp Lâm Ðồng sẵn sàng 'xanh hóa' sản xuất

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước 'xanh hóa' sản xuất đã và đang trở thành hướng đi tất yếu để tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm xã hội.

Sản xuất đảm bảo giảm phát thải môi trường tại Nhà máy Sợi Đà Lạt

Sản xuất đảm bảo giảm phát thải môi trường tại Nhà máy Sợi Đà Lạt

XANH HÓA LÀ MỤC TIÊU QUAN TRỌNG

Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng đang trong những ngày sản xuất đầu mùa mưa. Màu xanh phủ khắp trong khuôn viên nhà máy, trong đó, sắc xanh của cây keo lai phủ thành rừng tại các khu vực hoàn nguyên sau khai thác của công ty thực sự khẳng định cho mục tiêu lớn “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh. Ông Đặng Trung Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng cho biết, bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên của doanh nghiệp. Những năm qua, công tác cải tạo phục hồi môi trường khu vực khai thác quặng, được Công ty thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, diện tích khai thác hoàn thành đến đâu sẽ tiến hành ngay việc hoàn thổ, trồng cây đến đó. Đến nay, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện hoàn thổ gần 650 ha tại khu vực khai thác quặng bauxite; trong đó, có hơn 145 ha đã được trồng phủ kín cây keo lai. Cùng với công tác cải tạo, phục hồi môi trường, các giải pháp đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt quan tâm. Để tăng cường công tác giám sát chất lượng nước thải, 1 hệ thống quan trắc và hiệu chỉnh độ pH online truyền số liệu về phòng điều khiển trung tâm và 2 hệ thống cánh phai liên động với đầu đo pH để đóng chặn nguồn nước thải khi có dấu hiệu độ pH vượt ngưỡng nhằm đảm bảo nước thải sau xử lý cũng đã được đầu tư. Với công suất sản xuất năm 2024 dự kiến đạt 740.000 tấn alumin, Công ty Nhôm Lâm Đồng đang đầu tư hoàn thiện nhiều hạng mục công trình nhằm tối ưu hóa sản xuất gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp Lâm Đồng, với cái nhìn nhanh nhạy, đã có nhiều cải tiến, thay đổi để sản xuất sạch hơn, tích cực “xanh hóa” cho mục tiêu phát triển bền vững.

Không chỉ việc chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu xanh để cắt giảm phát thải, nhiều doanh nghiệp còn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, hoặc làm mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu ô nhiễm. Kinh tế tuần hoàn được hiểu là biến chất thải của ngành này thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác, thành một vòng quay tuần hoàn trong sản xuất của doanh nghiệp. Điều này giúp giảm việc khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Giải pháp này đang được áp dụng hiệu quả tại nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods). Bã thải sau khi xử lý nguyên liệu đầu vào cho sản xuất rượu vang sẽ tiếp tục được xử lý trở thành phân bón cho vườn nho của doanh nghiệp. Công ty đầu tư hệ thống súc rửa chai tự động, giảm tới 30% lượng nước sử dụng. Hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm được đầu tư ngay từ đầu khi công ty vận hành sản xuất tại Cụm công nghiệp Phát Chi, TP Đà Lạt. Khi có chủ trương của địa phương chuyển đổi hồ chứa nước Phát Chi từ một hồ thủy lợi thành hồ nước phục vụ xử lý cho sinh hoạt, Ladofoods đã ngừng xả nước thải vào hồ dù nước thải sau xử lý đã đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Thay vào đó, Ladofoods đầu tư hơn 300 triệu đồng để lắp đặt hệ thống dẫn nước xả thải sau xử lý sang hướng khác. Sản xuất xanh gắn với trách nhiệm cộng đồng là yếu tố giúp đơn vị liên tục đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2018 đến nay.

Sản xuất xanh góp phần xây dựng thương hiệu Ladofoods

Sản xuất xanh góp phần xây dựng thương hiệu Ladofoods

XANH HÓA ĐỂ TIẾT KIỆM

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm sút, “xanh hóa” theo chuỗi đang là lợi thế mà doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh. Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Lâm Đồng đi vào hoạt động chính thức tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc từ tháng 5/2019. Bên cạnh đầu tư lắp đặt 2 dây chuyền sản xuất tự động với công suất 150 triệu lít/năm thì đơn vị này cũng đã đặt ra mục tiêu hoàn thiện quy trình sản xuất “4 giảm”: Giảm thiểu lượng nước sử dụng và nước thải phát sinh, giảm thiểu tiêu hao điện năng, giảm tiêu hao hơi nước bão hòa và giảm phát thải khí thải. Việc vận hành dây chuyền sản xuất liên tục 24/7 chia làm 3 ca với kế hoạch được sắp xếp khoa học, hiệu quả cũng nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng hợp lý nguồn năng lượng, vì nếu sản xuất ngắt quãng, dừng và khởi động lại toàn bộ hệ thống sẽ tiêu tốn năng lượng lớn. Ông Nguyễn Thanh Long - Trưởng Phòng Nguồn lực nhân sự Công ty Bia Sài Gòn - Lâm Đồng chia sẻ: “Doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống lấy gió “tươi” ngoài trời đưa vào để thông gió cho khu vực sản xuất, giảm việc sử dụng hệ thống điều hòa. Ngoài ra, chúng tôi còn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái để sản xuất, giảm chi phí điện năng rất lớn”.

Với Nhà máy kéo Sợi len lông cừu Đà Lạt, thành viên Tập đoàn Suedwolle, sản xuất xanh trở thành ưu tiên trong kế hoạch sản xuất mỗi năm. Nhà máy đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái để giảm sử dụng điện lưới. Mọi khâu trong sản xuất đều được quy định rất rõ về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo hệ thống hoạt động chuẩn nhưng tiết kiệm. Bà Lan Anh - Giám đốc nhân sự công ty cho biết, mỗi năm, Tập đoàn đều giao kế hoạch tiết giảm chi phí năng lượng cho từng nhà máy.

Với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên đóng chân trên địa bàn huyện Đức Trọng, tiết giảm năng lượng đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí. Ông Nguyễn Văn Anh - Giám đốc công ty cho biết, sau khi quy hoạch lại hệ thống máy móc và quy trình sản xuất, doanh nghiệp tiết kiệm được tới trên 30% năng lượng tiêu hao như điện, nước, giúp nhà máy giảm chi phí rất lớn, giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường.

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng thông tin, hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ một quy định pháp lý nào về tỉ lệ xanh hóa cho các ngành sản xuất hay sản phẩm. Tuy nhiên, xu thế “Xanh hóa” là lộ trình tất yếu và trong tương lai, những tiêu chuẩn sẽ sớm được luật hóa. Với các doanh nghiệp Lâm Đồng có quy mô sản xuất lớn, việc tiến hành sản xuất sạch hơn cũng đang được triển khai. Và, các doanh nghiệp này đều cho thấy hiệu quả của tiết kiệm năng lượng, sản xuất xanh bằng các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến nông sản. Bà cũng cho hay, các dự án khuyến công do Quỹ Khuyến công Lâm Đồng hỗ trợ doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu thay đổi máy móc, công nghệ, chú trọng tới tiết kiệm tiêu hao năng lượng và bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp Lâm Đồng, với cái nhìn nhanh nhạy, đã có nhiều cải tiến, thay đổi để sản xuất sạch hơn, đang ở thế chủ động, tích cực “xanh hóa” cho mục tiêu phát triển bền vững.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202408/doanh-nghiep-lam-ong-san-sang-xanh-hoa-san-xuat-ff927f3/