Doanh nghiệp 'liệu cơm gắp mắm' trong phát triển bền vững

Doanh nghiệp Việt Nam hiện phải giải được bài toán 'Phát triển bền vững' để tồn tại và tiếp tục có mặt ở thị trường thế giới. Lời giải cần căn cứ vào khả năng của doanh nghiệp và cần có sự hỗ trợ của nhà nước.

Phát triển bền vững đã không còn là “hướng đến” như trước kia, mà nay trở thành bắt buộc. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực có những yêu cầu, tiêu chí riêng về phát triển bền vững và vì vậy cũng cần có những giải pháp riêng. Nhưng cốt lõi của phát triển bền vững là doanh nghiệp phải cân bằng được cả ba yếu tố: Phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Doanh nghiệp Việt Nam hiện phải giải được bài toán “Phát triển bền vững” để tồn tại và tiếp tục có mặt ở thị trường thế giới. Lời giải cần căn cứ vào khả năng của doanh nghiệp và cần có sự hỗ trợ của nhà nước.

“Liệu cơm gắp mắm”

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước năm 2020, thị trường và các nhãn hàng quốc tế quan tâm chủ yếu đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội và chất lượng sản phẩm. Còn hiện nay, thị trường và các nhãn hàng yêu cầu phải kiểm soát được dòng sản phẩm (tức là phải truy xuất nguồn gốc) và hướng đến phát triển bền vững với những tiêu chuẩn rất cụ thể.

Ông Bùi Phước Hòa, Giám đốc Ban dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập cho biết, đối với thị trường thế giới bây giờ, sản phẩm chất lượng là yêu cầu đương nhiên doanh nghiệp phải đáp ứng. Khách hàng giờ đây yêu cầu sản phẩm được nâng lên một tầm mới, đó là sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh. Tức là doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó phải có trách nhiệm như: không bóc lột sức lao động, nguyên liệu đầu vào không khai thác tài nguyên quá mức, dùng năng lượng sạch…

Phát triển bền vững đưa ra tiêu chí về sử dụng lao động (Ảnh: NQ)

Phát triển bền vững đưa ra tiêu chí về sử dụng lao động (Ảnh: NQ)

Theo ông Hòa, yêu cầu của thị trường như vậy nên doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi “xanh”: "Phải biết xác định đúng khả năng của mình đang ở mức nào, làm sao để nội lực của mình phù hợp với người lao động của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt phải kết nối với nhau, hỗ trợ nhau, giữa nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu dùng kết nối lại. Ví dụ như tôi mua nguyên liệu của anh vì nó bền vững, duy trì hoạt động cho nhau, tạo thành một chuỗi kết nối".

Ông Nguyễn Văn Viện, một chuyên gia đang tư vấn thực hiện tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững cho nhiều doanh nghiệp cho biết, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường mang tính bắt buộc, doanh nghiệp phải làm để tồn tại và phát triển. Cụ thể nếu doanh nghiệp không thực hiện, không những sản phẩm làm ra không xuất khẩu được mà các nhãn hàng lớn cũng không đặt hàng.

Doanh nghiệp sản xuất cần chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh (Ảnh: MH)

Doanh nghiệp sản xuất cần chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh (Ảnh: MH)

Theo ông Viện, doanh nghiệp phải tự đánh giá năng lực, thực trạng của mình để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, lựa chọn đáp ứng tiêu chuẩn nào trước, tiêu chuẩn nào sau, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Ông Viện cho biết: "Đến năm 2050, doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo cam kết kiểm soát phát thải khí nhà kính bằng 0. Khi đó chúng ta phải đầu tư rất nhiều thứ, từ năng lượng mặt trời, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sử dụng, phương tiện vận tải…chi phí rất lớn. Nên ngay từ giờ doanh nghiệp phải tính toán chi phí xem làm gì trước, làm gì sau. Nhưng doanh nghiệp bắt buộc phải làm vì nếu không làm thì sẽ bị rớt lại và đến khoảng 2025 các đơn hàng sẽ đổ sang các quốc gia khác".

Rất cần được hỗ trợ

Vấn đề phát triển bền vững hiện đã ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến các doanh nghiệp Việt Nam, từ ngành hàng thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp đến các ngành hàng phi thực phẩm như da giày, may mặc, điện tử. Gần đây, các nhãn hàng lớn của thế giới công bố những mục tiêu phát triển bền vững dẫn đến thách thức là nếu doanh nghiệp Việt không có lộ trình cụ thể để đáp ứng thì sẽ bị mất các đơn hàng gia công lớn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Coop cho biết, trên thực tế, các doanh nghiệp có sự hưởng ứng thực hiện xu hướng và yêu cầu của phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn chờ những thông tin, định hướng rõ ràng hơn.

Phát triển bền vững để tìm cơ hội ở thị trường xuất khẩu (Ảnh: BSA)

Phát triển bền vững để tìm cơ hội ở thị trường xuất khẩu (Ảnh: BSA)

"Doanh nghiệp nào cũng cần và phải thực hiện. Nhưng trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp cần xác định rất rõ ràng là nên làm gì trước cho sự phát triển ở giai đoạn sau, chứ không nên trải dài. Doanh nghiệp cũng rất cần ngành chức năng có những định hướng phát triển bền vững rõ ràng cho từng ngành nghề, từ đó có sự hỗ trợ để thực hiện" - ông Đức cho biết.

Với doanh nghiệp hiện nay, ngoài báo cáo về kinh tế thì còn có báo cáo về phát triển bền vững. Tập trung vào phát triển bền vững cũng là giải quyết các thách thức hiện tại, để dành nguồn tài nguyên cho sau này. Đồng thời, trong mắt nhà đầu tư, khả năng và uy tín của doanh nghiệp cũng tăng lên.

Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, việc phát triển xanh, bền vững phải có sự hỗ trợ từ nhà nước. Bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn, lại phải đeo đuổi thêm các tiêu chuẩn xanh nữa thì rất khó.

Theo bà Hạnh: "Ngoài những doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn xa, thì đa phần là doanh nghiệp nhỏ, đang chạy ăn từng ngày thì việc theo đuổi mục tiêu xa về mục tiêu xanh rất khó. Nhà nước cần hỗ trợ vật chất, truyền thông, quảng bá về tiêu chuẩn xanh để bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu, thực hành".

Các nhãn hàng lớn đều đưa ra các tiêu chí phát triển bền vững (Ảnh: MH)

Các nhãn hàng lớn đều đưa ra các tiêu chí phát triển bền vững (Ảnh: MH)

Ông Nguyễn Huy, Giám Đốc ngành hàng dịch vụ thực phẩm và chứng nhận-Công ty Intertek Việt Nam (doanh nghiệp chuyên về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận sản phẩm) cho rằng, phát triển bền vững là một quá trình, được thực hiện từ từ, từng bước đáp ứng. Thực tế, không đối tác nào kỳ vọng ở doanh nghiệp vừa tuyên bố thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững là đạt được ngay nhưng nhất định phải làm.

"Nhiều đối tác muốn gia công nhiều đơn hàng tại Việt Nam nhưng mức độ áp dụng phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt còn thấp, chưa đáp ứng các tiêu chí của họ. Về mặt luật định cũng có ban hành, hướng dẫn thực hiện nhưng thực tế triển khai ở doanh nghiệp rất hạn chế. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực thực hiện. Đây là một chiến lược dài hơi nhưng buộc phải bắt đầu" - ông Huy cho biết.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động với những chiến lược, kế hoạch để hỗ trợ, đồng hành giúp doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh đó, nhất là khi tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai… thì việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao ý thức người tiêu dùng theo xu hướng xanh là rất cần thiết./.

Minh Hạnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-lieu-com-gap-mam-trong-phat-trien-ben-vung-post1022475.vov