Doanh nghiệp lo kẹt lô hàng xuất khẩu vì vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận
Xuất khẩu hồ tiêu đang tăng tốc thì bất ngờ gặp vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, điều kiện bắt buộc để thông quan sang thị trường EU.
Xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh thì bị “tắc” giấy tờ
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 6/2025, xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 25.000 tấn, trị giá 169,2 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu đạt gần 125.000 tấn, tương đương 859,6 triệu USD, giảm 12,4% về lượng nhưng tăng tới 35,7% về giá trị so với cùng kỳ 2024.

Việt Nam hiện là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất của EU. Ảnh: VPSA
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân tăng mạnh, đạt khoảng 6.881 USD/tấn (tăng gần 55%). Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 26,8%), Đức (9,2%) và Ấn Độ (7,7%). Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sang Anh tăng gấp 2,1 lần, trong khi thị trường Hà Lan giảm 12,5%.
Xuất khẩu hồ tiêu đang trong đà thuận lợi thì mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan đến những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng gia vị.
Công văn nêu rõ, từ ngày 01/7/2025, việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025. Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2018, dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc xin cấp Giấy chứng nhận đúng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU. Hậu quả là việc xuất khẩu bị đình trệ, dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng, mất uy tín với các đối tác quốc tế và ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm.
Trước tình hình trên, VPSA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp có thể thông quan hàng hóa, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2025/TT-BNNMT để đảm bảo việc cấp Giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Hiệp hội cũng đề xuất tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan cấp tỉnh và doanh nghiệp để đảm bảo quy trình cấp Giấy chứng nhận nhanh chóng và chính xác. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro về hợp đồng, bảo vệ uy tín và giảm thiểu chi phí, thời gian cho các hoạt động xuất khẩu.
"Việc giải quyết nhanh chóng và hiệu quả những khó khăn này sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động xuất khẩu ổn định mà còn góp phần bảo vệ uy tín của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế", VPSA nêu rõ.
Cục chuyên ngành lên tiếng
Trao đổi với Báo Công Thương, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xác nhận, sự ách tắc hiện nay liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Thông tư này quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu từ Cục về cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện.
Vì thế Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị cơ quan chức năng địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp chứng thư theo trình tự quy định tại Điều 24 Thông tư 12 và khoản 1 Điều 42 Luật An toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh chuyển giao, phân cấp phân quyền diễn ra trong thời gian quá ngắn, khiến nhiều địa phương chưa kịp nắm bắt và triển khai kịp thời. Trong khi các doanh nghiệp cần thủ tục gấp để kịp tiến độ xuất hàng thì cơ quan cấp tỉnh còn lúng túng trong tiếp nhận chức năng mới, chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến ách tắc kéo dài.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết sẽ ban hành công văn hướng dẫn và luôn sẵn sàng phối hợp với các địa phương, hỗ trợ kiểm tra nhà nước và hoàn tất thủ tục xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến.
Theo Eurostat, Việt Nam hiện là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất của thị trường EU. Khu vực này không sản xuất hồ tiêu, 95% lượng nhập khẩu dùng cho tiêu thụ nội địa, chỉ 5% tái xuất. Trung tâm CBI dự báo nhu cầu hồ tiêu tại EU sẽ tăng 1 - 2%/năm, ưu tiên sản phẩm chất lượng cao, có chứng nhận bền vững.
Việc sớm khơi thông thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm sẽ giúp doanh nghiệp hồ tiêu không bị lỡ nhịp tại thị trường EU. Đồng thời, đây cũng là bước quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 1,35 tỷ USD trong năm 2025 của toàn ngành.
VPSA khuyến nghị, để duy trì vị thế tại thị trường tiềm năng này, ngành hồ tiêu cần đi theo hướng sản xuất bền vững, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và chứng nhận khắt khe từ châu Âu.