Trung Quốc rót tiền nhiều chưa từng thấy vào Sáng kiến Vành đai và Con đường

Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ở nước ngoài và tăng cường hợp tác với các quốc gia trong sáng kiến hạ tầng khổng lồ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá trị đầu tư mới và hợp đồng xây dựng của các công ty Trung Quốc tại các quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay - theo một nghiên cứu mới được tờ Finacial Times trích dẫn.

Theo tờ báo, điều này cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ở nước ngoài và tăng cường hợp tác với các quốc gia trong sáng kiến hạ tầng khổng lồ, giữa lúc Mỹ mạnh tay áp thuế quan lên các đối tác thương mại.

Nghiên cứu của Đại học Griffith, Australia và Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh (GFDC) ở Bắc Kinh cho thấy giá trị đầu tư mới và hợp đồng xây dựng của Trung Quốc tại các nước thành viên BRI đạt tổng cộng 124 tỷ USD trong 176 thỏa thuận trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều hơn con số 122 tỷ USD của cả năm ngoái.

“Sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong BRI năm nay là đáng ngạc nhiên, xét tới tốc độ tăng trưởng đều và vững của các hoạt động này từ sau đại dịch Covid. Điểm nổi bật của năm nay là quy mô của các thỏa thuận, với nhiều thỏa thuận lớn đạt quy mô trên 10 tỷ USD”, ông Christoph Nedopil Wang - một tác giả của nghiên cứu trên - nhấn mạnh.

Ông Wang cho rằng tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, cũng như nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đã thúc đẩy nhiều công ty Trung Quốc đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thị trường ở nước ngoài. Cùng với đó, các nước trong BRI nhìn thấy “cơ hội để tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh động lực địa kinh tế toàn cầu đang thay đổi”.

BRI được Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2013 nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và quan hệ thương mại của Trung Quốc với 150 quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nghiên cứu trên cho thấy sự gia tăng trong nửa đầu năm nay đã đưa tổng giá trị hợp đồng và đầu tư trong BRI từ đầu tới nay lên 1,3 nghìn tỷ USD, bao gồm các hợp đồng trị giá khoảng 775 tỷ USD trong lĩnh vực xây dựng và 533 tỷ USD trong các khoản đầu tư phi tài chính.

Nghiên cứu cho biết “mức độ tham gia của Trung Quốc trong các dự án năng lượng ở các nước nằm trong BRI trong năm 2025 là cao nhất trong bất kỳ giai đoạn nào kể từ khi sáng kiến ra đời”. Cũng theo nghiên cứu này, giá trị của các hợp đồng đầu tư và xây dựng trong lĩnh vực năng lượng thuộc khuôn khổ sáng kiến này trong năm nay là cao nhất ở châu Phi với 39 tỷ USD và ở Trung Á với 25 tỷ USD.

Số liệu từ nghiên cứu cho thấy tổng giá trị các hợp đồng xây dựng và đầu tư dầu khí trong BRI đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục khoảng 44 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, vượt con số của cả năm 2024. Trong đó có 20 tỷ USD vốn đầu tư rót vào các cơ sở chế biến dầu khí tại Nigeria.

Kazakhstan là nước nhận được khoản đầu tư lớn nhất trong số các đối tác BRI trong năm nay, với mức đầu tư 23 tỷ USD. Trái lại, khu vực Mỹ Latin nhận được giá trị hợp đồng và đầu tư thấp nhất trong 10 năm trong khuôn khổ sáng kiến này.

Các hợp đồng và dự án đầu tư của các công ty Trung Quốc vào các dự án điện gió, điện mặt trời và chuyển đổi rác thải thành năng lượng tại các đối tác BRI đạt mức kỷ lục gần 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, sáng kiến cũng tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực than đá và rót số vốn kỷ lục gần 25 tỷ USD vào lĩnh vực kim loại và khai thác mỏ.

Không chỉ báo cáo trên mà các tổ chức nghiên cứu khác cũng cho biết hoạt động đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong BRI gia tăng.

Công ty nghiên cứu Rhodium Group có trụ sở ở Mỹ nói rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các thực thể Trung Quốc công bố tại các nước trong phạm vi của sáng kiến này đạt gần 15,9 tỷ USD trong quý 1 năm nay, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Rhodium, các nước Đông Nam Á chiếm phần lớn lượng vốn đầu tư này vì doanh nghiệp muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc.

Nghiên cứu của Đại học Griffith, Đông Nam Á là khu vực hút dòng vốn đầu tư lớn thứ hai từ BRI trong nửa đầu năm nay, đạt 11,3 tỷ USD, chỉ xếp sau khu vực Trung Á.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Rebecca Ray của Đại học Boston Mỹ, hiện nay, hoạt động của BRI đã dịch chuyển từ cho các quốc gia trong sáng kiến vay tiền sang rót vốn FDI. “Sự dịch chuyển này có thể là tích cực, bởi tránh việc làm gia tăng nợ nần của các chính phủ”, bà Ray nói.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-rot-tien-nhieu-chua-tung-thay-vao-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong.htm