Doanh nghiệp lo ngại với đề xuất làm việc 44 giờ/tuần

Một đề xuất hoàn toàn mới vừa được đưa vào dự thảo mới nhất của Bộ luật Lao động sửa đổi đang được Quốc hội xem xét là giờ làm tiêu chuẩn sẽ giảm từ 48 giờ/tuần như hiện tại xuống 44 giờ/tuần. Đề xuất này được đánh giá là không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và vượt lên trên nhiều nước phát triển hơn.

 Người lao động sẽ chịu thiệt thòi đầu tiên nếu đề xuất giảm giờ làm tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được áp dụng. Ảnh: Minh Tâm

Người lao động sẽ chịu thiệt thòi đầu tiên nếu đề xuất giảm giờ làm tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được áp dụng. Ảnh: Minh Tâm

Ông Diệp Thành Kiệt, Hội da giày TPHCM phân tích, nếu áp dụng theo đề xuất này thì người lao động là người chịu thiệt thòi ngay. Bởi lẽ, với những người nhận lương theo sản phẩm thì số giờ làm này chưa chắc đảm bảo thu nhập như cũ, như mong muốn của người đề xuất. Còn nếu tính lương theo giờ làm thì chắc chắn thu nhập sẽ giảm.

Ông Kiệt cho rằng, đề xuất số giờ làm tiêu chuẩn 44 giờ/tuần chỉ nên được đặt ra khi bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam đạt ít nhất 4.000 đô la Mỹ/người/năm và cần có lộ trình cũng như bước đi, đóng góp cụ thể của các thành phần: từ người lao động đến doanh nghiệp cũng như Chính phủ cho mục tiêu này.

Không chỉ vậy, nếu quy định như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các công ty mua hàng từ Việt Nam chắc chắn sẽ tính toán lại việc sản xuất tại Việt Nam, thậm chí “chia tay” để lựa chọn những nước có chi phí nhân công rẻ hơn, thuế quan xuất khẩu thấp hơn. Lúc đó, chính người lao động chịu thiệt.

“Tóm lại, chúng tôi kiến nghị là khi làm gì đó liên quan đến quan hệ nhạy cảm giữa người lao động và doanh nghiệp nên xem xét các nước xung quanh làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh quốc gia”, ông Kiệt nói tại hội thảo tham vấn về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi diễn ra tại TPHCM hôm nay, 23-8.

Ông Trương Văn Cấp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh, các nước phát triển đang có xu hướng tăng lương giảm giờ làm và Việt Nam đang đi theo xu hướng này. Nhưng, thu nhập bình quân đầu người đang xếp hàng 131 thế giới thì chưa thể nói chuyện giảm giờ làm. Còn lương thì đã tăng rồi. Lương tối thiểu vùng từ 2008 đến nay tăng bình quân 19%/năm (khu vực doanh nghiệp trong nước) còn lạm phát tăng 7,8%; năng suất lao động tăng 4,07%. Đề xuất giảm giờ làm tiêu chuẩn sẽ trói chân chính các doanh nghiệp khi sẽ phải tuyển thêm lao động hoặc phải tăng giờ làm thêm để bù đắp. Cả hai việc này đều khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Nở, Giám đốc nhân sự Công ty may mặc United Sweetheart Việt Nam thì đưa ra những con số cụ thể. Nếu giảm giờ làm xuống 44 giờ, một doanh nghiệp da giày có 17.000 lao động sẽ phải huy động nhân công làm thêm giờ, làm phát sinh chi phí 216 tỉ đồng, tương đương tăng 3,6% giá thành sản phẩm. Nếu chọn phương án hai là tuyển thêm người để bù đắp thì sẽ phải cần thêm 1.764 người và cần thêm 186 tỉ đồng trả lương, tăng giá thành 3,4%.

Nhưng vấn đề là thị trường lao động đang khan hiếm, không tuyển được người. Đó là chưa kể phải xây dựng thêm nhà xưởng trong khi quỹ đất không có sẵn, thời gian xây dựng ít nhất 3 năm, đối tác chắc chắn không thể chờ.

“Các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam đều đang có giờ làm tiêu chuẩn trên 48 giờ. Thậm chí như Hàn Quốc còn tới 52 giờ. Việt Nam quá "anh hùng" khi muốn áp dụng 44 giờ. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, uy tín quốc gia. Bởi lẽ, mười năm nay áp dụng 48 giờ, nay lại giảm xuống 44 giờ và cũng không chắc chắn là năm sau không thay đổi nữa. Doanh nghiệp không thể hoạch định trong tình hình như vậy”, ông Nở nói.

Đại diện Công ty Pounyuen, doanh nghiệp hiện đang sử dụng 68.000 lao động cho biết, nếu giảm giờ làm, công ty phải tuyển thêm 5.000 lao động. Trong khi đó, nửa năm nay tuyển 1.000 người đang thiếu hụt vẫn không được.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Giám đốc nhân sự Intel Việt Nam cho biết, nếu áp dụng 44 giờ, con số quá xa so với nhu cầu thực tế nhưng doanh nghiệp phải tuân thủ thì câu hỏi đặt ra là người lao động có đủ sống với mức lương hiện nay? Thực tế đang diễn ra là có rất nhiều công nhân sau giờ làm chạy xe ôm công nghệ, bảo vệ, phục vụ quán ăn để có thêm thu nhập. Điều đó cho thấy, Nhà nước muốn khống chế để đảm bảo sức khỏe cho người lao động nhưng lại đẩy họ đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đơn vị chắp bút Bộ luật Lao động sửa đổi thừa nhận, khảo sát với 56 doanh nghiệp Nhật Bản về việc giảm giờ làm tiêu chuẩn cho thấy các công ty phải tuyển thêm 30.000 lao động. Điều này là khó thực hiện trong bối cảnh khan hiếm lao động hiện nay.

Ông Thiện cho biết, đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ như hiện hành xuống 44 giờ là vấn đề mới, chỉ xuất hiện khi dự thảo trình ra Quốc hội. Đó là lý do phần này chưa có báo cáo đánh giá tác động. Ban soạn thảo cũng đã giải trình và đề nghị cân nhắc kỹ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến là nếu còn quá nhiều quan điểm khác nhau thì cần lấy thêm ý kiến và không nên thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới mà cần thêm một kỳ nữa. “Quốc hội đang lắng nghe ý kiến. Chúng tôi cũng là chỉ là một cơ quan phản ánh với Quốc hội. Chúng tôi cũng mong doanh nghiệp chủ động góp ý, những lập luận cũng cần mạnh hơn cũng như có sự thống nhất, đồng lòng”, ông Thiện nói.

Ông Huỳnh Quang Thanh, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa) góp ý rằng đề xuất này đang còn trong vòng tranh cãi thì nên hoãn phê chuẩn và tìm hiểu thêm những người liên quan trực tiếp nghĩ gì.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/293187/doanh-nghiep-lo-ngai-voi-de-xuat-lam-viec-44-giotuan.html