Trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp Việt trên lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Qua việc kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp doanh nghiệp, quốc gia quản lý và đánh giá sự biến động của môi trường cũng như khí hậu và bầu khí quyển.

Rút ngắn lộ trình Netzero

Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Ủy ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và tạo nền tảng để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

Bên cạnh đó, cần xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;

Ngoài ra, hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

 Trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp Việt trên lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp Việt trên lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Trách nhiệm xã hội

Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn đảm bảo tuân thủ các nguyên về trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển thị trường carbon trong nước.

+ Đối với cơ sở phát thải khí nhà kính: Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (số 72/2020/QH14) đã đề ra các quy định liên quan đến khí nhà kính và trách nhiệm của các cơ sở phát thải khí nhà kính.

Khai báo khí nhà kính: Các cơ sở phải khai báo khối lượng, loại khí nhà kính trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường.

Thực hiện kiểm kê khí nhà kính: Các cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Kiểm kê này giúp đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Cơ sở phải tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình và phương thức phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện của đất nước.

+ Đối với các công ty đại chúng: Các công ty đại chúng cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính để đo lường và quản lý phát thải khí nhà kính. Dưới đây là một số hướng dẫn và tiêu chuẩn liên quan:

ISO 14064-1: Tiêu chuẩn này giúp tính toán lượng phát thải khí nhà kính của một công ty (gọi là lượng khí thải carbon của công ty – CCF). Nó cung cấp nguyên tắc và yêu cầu để lập kế hoạch, phát triển và báo cáo kiểm kê khí nhà kính trong một công ty.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP: Chính phủ Việt Nam đã quy định việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Các công ty cần tính toán khí thải nhà kính để đưa vào báo cáo thường niên theo hướng dẫn của nghị định này.

Tùy thuộc vào mục tiêu và phạm vi của công ty, họ có thể lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đo lường dấu chân carbon của mình.

Cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp

Phát biểu tại tại tọa đàm: “Kinh tế tuần hoàn - trung hòa carbon: Con đường tất yếu” diễn ra tại TP.HCM TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho rằng, câu chuyện xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp.

Nếu trước kia doanh nghiệp chỉ cần sản xuất được sản phẩm rẻ, chất lượng và khéo chào mời thì sẽ bán được hàng, thì nay nếu không xanh hóa sẽ bị đào thải. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường "xanh hóa" sản xuất.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ sự đồng cảm với doanh nghiệp Việt bởi câu chuyện xanh hóa trong bối cảnh kinh tế khó khăn, còn đang chật vật để sống sót trên thị trường, nỗ lực không cắt giảm nhân lực, doanh số… là thách thức lớn gấp bội.

Các nước lớn, đặc biệt ở châu Âu, đang ngày càng đặt ra những rào cản khắt khe. Ông Nghĩa ví những tiêu chuẩn này giống như các cơn bão. “Cơn bão sắp ập đến nhưng chúng ta chưa có lấy một hầm trú ẩn”, ông nói.

Cũng cho ý kiến về vấn đề nay, bà Trần Anh Đào - phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành HOSE - dẫn số liệu trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ có 12 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê ở phạm vi 1 (phát thải khí nhà kính trực tiếp từ các nguồn do tổ chức đó sở hữu), và phạm vi 2 (phát thải khí nhà kính gián tiếp từ nguồn mua của tổ chức khác).

Đặc biệt chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phạm vi 1, 2 và 3 (phát thải khí nhà kính gián tiếp trong chuỗi giá trị của mình).

"Để ứng phó với "cơn bão carbon", việc đầu tiên doanh nghiệp Việt cần thực hiện là phải kiểm kê được khí nhà kính. Cần phải nắm được lượng phát thải của cơ quan mình bao nhiêu mới có chính sách phù hợp", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/trach-nhiem-vai-tro-cua-doanh-nghiep-viet-tren-lo-trinh-thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-90082.html