Doanh nghiệp loay hoay chống 'giặc' hàng giả
Chống hàng giả, hàng nhái luôn là vấn đề 'nóng' doanh nghiệp phải đối mặt nhưng quá trình đi tìm 'công lý' cho sản phẩm cũng vô cùng gian nan.
Vật vã tìm “công lý”
Trải lòng với chúng tôi, chị Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty Dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy chia sẻ: Tháng 9/2014, khi đang tham dự một chương trình hội chợ nông sản, chị bất ngờ phát hiện sản phẩm mang chính tên của mình nhưng giá bán lại rẻ hơn đến 50 nghìn đồng.
“
Sau hai năm thành lập, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 150.000 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại; thu nộp ngân sách Nhà nước ước trên 1.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019 và 6 tháng năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường chuyển cơ quan điều tra 176 vụ, đã khởi tố 23 vụ.
”
“Ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải làm cho ra nhẽ, nhưng mọi thứ không đơn giản. Sau khi thông báo với cơ quan chức năng, bao nhiêu hướng dẫn tôi đều không hiểu.
Vẫn loay hoay mãi không tìm ra cách nào giải quyết do chưa chứng thực được đó là sản phẩm của mình, tôi đành bỏ cuộc khi hàng giả vẫn đang bày bán ngay bên cạnh và sự quan tâm đến nhãn hiệu cũng bắt đầu được nhen nhóm từ đây”, chị Thủy nói.
Theo chị Thủy, trong thời gian gần ba năm chờ đợi để được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, ít nhất có 10 vụ làm giả sản phẩm bị chị phát hiện và đến làm việc tận nơi nhưng “đâu vẫn hoàn đấy”.
“Không có thống kê chính xác về thiệt hại nhưng tác động đầu tiên là đến tinh thần. Tôi luôn trong tình trạng căng thẳng, bởi đã có khách mua phải hàng giả, không đạt chất lượng gây ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm mà mình có nhiều tâm huyết gây dựng”, chị Thủy cho biết.
“Để tạo được những dòng cao chè vằng, cao cà gai leo, cao kim tiền thảo… có chất lượng tốt và mang đặc trưng riêng của Quảng Trị như hiện nay, chúng tôi phải trải qua gần hai năm thất bại để nghiên cứu, một năm đưa ra thị trường không lợi nhuận. Thế nhưng chỉ một đêm, sản phẩm giả đã tràn ngập thị trường Quảng Trị và ngang nhiên mời chào tại các hệ thống đại lý mà mình không cách nào vạch mặt.
Lúc bấy giờ, những người kinh doanh nhỏ thường làm việc theo cách cứ tạo ra sản phẩm, cứ bán, sau này đủ lớn mới thành lập công ty nên việc bảo hộ nhãn hiệu ít được quan tâm. Điều đó đồng nghĩa với việc bỏ lỡ bước đầu tiên trong việc xử lý hàng giả (nhãn hiệu phải được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ), làm cản trở sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng.
Cũng từ đó, những đơn vị cơ hội nhanh tay chiếm thị trường, thậm chí không ít doanh nghiệp (DN) bị mất luôn hoặc phải mua lại nhãn hiệu của mình từ đơn vị khác”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng từng rơi vào cảnh không xử lý được hàng giả do hàng hóa chưa được bảo hộ nhãn hiệu, chị Hương, chủ DN Dược liệu Mạnh Hương (Lào Cai) bày tỏ: Thương hiệu Mạnh Hương dù mới được thành lập nhưng trước đây là cơ sở thuốc gia truyền nhiều đời của dân tộc Dáy.
Thế nhưng cách đây vài năm, khắp nơi từ Hải Phòng, Bắc Giang… đều xuất hiện những hộp tinh bột nghệ, viên nghệ, hay các loại cao có tên ông “Mạnh Dáy” được công khai bày bán rầm rộ với mức giá ngang bằng, thậm chí cao hơn. Sản phẩm giả nhái hoàn toàn nhãn hàng hóa, thông tin, thương hiệu, hình ảnh cũng như quy cách đóng gói.
“Tôi đã nhờ người theo dõi nhiều ngày, đến tận nơi sản xuất, còn nắm rõ cả số lượng họ sản xuất mỗi ngày nhưng khi báo quản lý thị trường mới biết hàng của mình cần được bảo hộ, có đủ giấy tờ lưu hành như giấy kiểm tra sản phẩm đạt chất lượng thì mới chứng minh được sản phẩm của họ là hàng giả”, chị Hương kể.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Triệu Quang Thìn, Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội cho biết, để có cơ sở báo cáo với cơ quan chức năng về những dấu hiệu làm giả, làm nhái, đơn vị cần có những bằng chứng xác thực.
Cụ thể, phải viết đơn nói rõ tính hợp pháp của nhãn hiệu sản phẩm mà DN đang sở hữu, cung cấp những thông tin về việc sản xuất kinh doanh hàng giả, căn cứ phân biệt và kết quả giám định của cơ quan chức năng.
“Tức là khi thu thập được sản phẩm giả, DN phải mang mẫu này cùng mẫu thật đến Viện Sở hữu trí tuệ để giám định và ra văn bản kết luận hàng giả hoặc xâm phạm sở hữu trí tuệ”, ông Thìn nói.
Luôn bật chế độ “thám tử”
Theo những người có kinh nghiệm chống “giặc” hàng giả, ngoài những cơ sở pháp lý, DN cần kích hoạt trạng thái theo dõi như một thám tử trên thương trường,
Nói về câu chuyện của Tập đoàn NGK Spark Plugs (Nhật Bản) được biết đến nhiều ở Việt Nam với các sản phẩm phụ tùng xe máy, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Vina CHG, đại diện pháp lý về thương hiệu của NGK Nhật Bản tại Việt Nam tâm sự: “Ngay cả đối với DN lớn và có đầu tư chống hàng giả công nghệ cao vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi không ít trường hợp làm hàng giả, hàng nhái hiện nay được đầu tư với quy mô lớn, thậm chí có yếu tố xuyên quốc gia”.
Lấy ví dụ về vụ xử lý hàng giả, hàng nhái của NGK tại TP HCM, ông Hồng cho hay, sau nhiều tháng theo dõi những động thái kinh doanh hàng giả, phía công ty đã đưa ra những bằng chứng và phối hợp với cơ quan chức năng vào cuộc truy bắt.
Song, lực lượng thực thi nhiệm vụ phải cử người “nằm vùng”, điều tra gần một năm mới có đủ thông tin, chứng cứ do các đối tượng làm giả có xưởng ở Trung Quốc, lập hẳn công ty ở Việt Nam để dễ tiêu thụ sản phẩm.
Sau khi phát hiện và điều tra, thu thập chứng cứ, cơ quan chức năng đã thụ lý hồ sơ và khởi tố hình sự. Tuy nhiên, do vụ án phức tạp và có yếu tố nước ngoài, hiện nay đã hai năm nhưng vẫn chưa được giải quyết xong.
Tương tự, dù Công ty CP Khóa Việt - Tiệp có hệ thống bán hàng rộng khắp với 5 chi nhánh, hơn 400 đại lý phân phối và trên 5.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước nhưng việc chống hàng giả vẫn luôn “nóng”.
Việc kiểm soát hàng giả được thực hiện bằng cách kiểm tra thường xuyên các nhà phân phối và hàng năm phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh và xử lý nhiều đối tượng buôn bán hàng giả.
Kết quả thống kê cho thấy, năm 2016, công ty phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm, tịch thu và tiêu hủy hơn 500 bộ khóa giả.
Năm 2017, công ty phối hợp với Công an kinh tế tỉnh Lạng Sơn bắt giữ đối tượng buôn bán 3.000 bộ khóa giả đang trên đường vận chuyển. Năm 2018, công ty phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ đối tượng vận chuyển 3.300 bộ khóa giả đưa từ cửa khẩu về Việt Nam tiêu thụ…
Từ kinh nghiệm “chinh chiến”, ông Nguyễn Viết Hồng cho biết, phân khúc hàng hóa bị làm giả, làm nhái nhiều nhất phải kể đến là các mặt hàng tiêu dùng, có thương hiệu nổi tiếng, mức độ tiêu thụ mạnh.
“Thậm chí, hiện nay đang có xu hướng làm giả, làm nhái các sản phẩm có giá trị thấp nhưng nhu cầu sử dụng nhiều. Mặt khác, ở phân khúc như dược phẩm, thực phẩm chức năng, nếu như trước đây thường nhằm vào yếu tố ham rẻ để dễ tiêu thụ hàng giả thì hiện các đối tượng đầu tư có hệ thống, làm giả tinh vi về bao bì, làm nhái thương hiệu và bán với giá tương đương hàng thật”, ông Hồng cho biết.
Doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với cơ quan chức năng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, DN nên chủ động phối hợp, hỗ trợ cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh nhất trong khu vực (đạt mức 43% kể từ năm 2015) khiến việc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái càng thêm khó khăn, hạn chế bởi giao dịch hoàn toàn gián tiếp, khi người mua không kiểm chứng được hàng”, ông Linh cho hay.
Qua đây, ông Linh cho biết đang đề nghị bộ, ngành có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực TMĐT đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm…; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.