Doanh nghiệp loay hoay với chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện quy định giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022 do các địa phương thực hiện chính sách không đồng nhất, còn doanh nghiệp tốn kém chi phí khi phải lập hóa đơn riêng ghi mức thuế suất 8%.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết nhiều doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện việc khai và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các loại sợi sau khi Nghị định 15/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội được ban hành. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách giảm thuế không đồng nhất khiến doanh nghiệp mua sợi tại một số địa phương chỉ chịu thuế suất 8%, trong khi tại một số địa phương khác lại chịu thuế suất 10%.

“Nếu vẫn còn vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực thi khiến doanh nghiệp chưa dễ áp dụng, người tiêu dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách phục hồi khó đạt như kỳ vọng”, Vitas cho biết.

Khách mua hàng tại siêu thị Coopmart. Ảnh: N.K

Hệ thống siêu thị Coopmart (TPHCM) cho biết việc phải lập hóa đơn riêng với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT – theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022 – khiến đơn vị phải tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn trong bối cảnh hệ sống sử dụng hơn 10.000 hóa đơn điện tử mỗi ngày.

Ngoài ra, phần mềm hóa đơn điện tử hiện cho phép đơn vị này tách riêng nhiều thuế suất trên một hóa đơn, giúp các siêu thị xuất một hóa đơn điện tử với khả năng ghi nhiều mức thuế khác nhau.

Tương tự, một công ty cấp nước tại Hải Phòng lo ngại phải lập số lượng hóa đơn cao hơn 2 lần hiện tại với khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước với thuế suất 8% của khách hàng trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến phải lập 2 hóa đơn, gồm: một hóa đơn ghi thuế 8%, một hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%) thay vì lập một hóa đơn.

Hiện doanh nghiệp này thu hộ tiền dịch vụ thoát nước với thuế suất 10%, số lượng hóa đơn phải lập khoảng 400.000 số một tháng.

Doanh nghiệp này cũng cho rằng tiền dịch vụ thoát nước xác định căn cứ vào số nước tiêu thụ trong tháng nên việc tách hóa đơn sẽ khó khăn trong đối chiếu, kiểm tra, gây khó khăn trong việc thu tiền nước và tiền phí thoát nước từ phía khách hàng.

Bên cạnh đó, có rủi ro phát sinh chi phí về nâng cấp, sửa đổi phần mềm hóa đơn, nhân lực đi kèm.

Để giải quyết vấn đề, Vitas kiến nghị Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính chỉ đạo các Chi cục Thuế tại các tỉnh thành trên cả nước thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 15/2022 nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Về việc lập hóa đơn, một số cục thuế đề xuất Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được lập chung hóa đơn với nội dung gồm hàng hóa, dịch vụ không được giảm và được giảm thuế GTGT nếu doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn thể hiện được các loại thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn.

Phản hồi, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ phần trăm (%) tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định nếu kinh doanh bán hoàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau.

Về hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính trình có hiệu lực từ ngày ký.

Cơ quan này cũng quy định điều khoản xử lý hồi tố theo hướng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt hành chính về thuế và hóa đơn với các trường hợp không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT từ ngày 1-2-2022.

Hoàng Thắng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-loay-hoay-voi-chinh-sach-giam-2-thue-gia-tri-gia-tang/