Doanh nghiệp logistics nắm bắt xu hướng 'xanh hóa'
Việc xanh hóa ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Xu hướng không thể đảo ngược
Trong tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng của Việt Nam, logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo báo cáo nghiên của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện nay xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ; hiện Việt Nam đứng trong Top 5 ASEAN sau: Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm. Tuy nhiên, đây cũng lại là ngành có phát thải lớn và mức độ tiêu hao năng lượng cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi, con số này có thể lên đến 11%... Chính vì lý do đó, theo các chuyên gia, logistics cũng sẽ là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh.
Thông tin tại một tọa đàm về logistics xanh được tổ chức mới đây, bà Đặng Hồng Nhung - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho rằng, các doanh nghiệp phải xác định logistics xanh giờ đây không còn là xu hướng, cũng không phải là sự lựa chọn mà sẽ là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, xu hướng chuyển đổi xanh sẽ vừa tạo áp lực và cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics. Trong đó, áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm.
Bên cạnh đó là áp lực từ khách hàng, đối tác, bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đều là những khách hàng khó tính. Họ ngày càng yêu cầu cao về các tiêu chí xanh áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm, bao gồm các chuỗi logistics. “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2026 là một ví dụ điển hình” - bà Đặng Hồng Nhung nêu ví dụ, đồng thời khẳng định: “Logistics với vai trò là hoạt động kết nối toàn bộ quá trình sản xuất, từ sản xuất cho đến người tiêu dùng cũng đứng trước đòi hỏi phải xanh hóa, nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi”.
Cũng theo bà Nhung, bên cạnh áp lực, chuyển đổi xanh cũng sẽ tạo ra động lực để ngành logistics phải chuyển đổi để phát triển. Bởi về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí và tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp logistics đưa “xanh hóa” vào chiến lược kinh doanh
Có thể thấy, logistics xanh đang trở thành xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Các doanh nghiệp logistics với vai trò chủ lực đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Đơn cử, SuperPortTM Việt Nam - liên doanh giữa Tập đoàn YCH (Singapore) và Tập đoàn T&T (Việt Nam) vừa tổ chức sự kiện công bố tầm nhìn mới với mục tiêu đưa “siêu cảng” logistics đa phương thức tại Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm quan trọng kết nối chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Hơn hết là mục tiêu đầy tham vọng đưa “siêu cảng” này đạt Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2040.
Được biết, Dự án Trung tâm logistic ICD Vĩnh Phúc được khởi công vào cuối năm 2021 ngay trong đại dịch Covid-19. Dự án có diện tích 83 ha; tổng vốn đầu tư 166 triệu USD, được ghi nhận là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối và Cảng cạn (ICD) phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics.
Dự án đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cảng cạn thông quan hàng hóa nội địa, góp phần giảm chi phí, thời gian thông quan, vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm góp phần giảm chi phí đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương lân cận.
Chia sẻ về kế hoạch và tầm nhìn tương lai, TS. Yap Kwong Weng - Tổng giám đốc SuperPortTM Việt Nam - cho biết, trung tâm này sẽ tích hợp tất cả các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng trên đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển trong một trung tâm hậu cần duy nhất. Dựa trên mô hình 'Park within a Park', sáng kiến này giúp kết nối liền mạch, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và củng cố vị thế của SuperPort Việt Nam như một nhân tố then chốt của ngành hậu cần trong khu vực.
Theo TS. Yap Kwong Weng, bằng cách ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp hậu cần đột phá, siêu cảng này đang cải thiện dòng chảy hàng hóa trên khắp khu vực và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các cảng logistics bền vững trong tương lai. “SuperPort Việt Nam có vị thế quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và củng cố kết nối trong khu vực thông qua nền tảng hạ tầng tiên tiến. Đây được định vị là trung tâm hậu cần đa phương thức chiến lược, kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc - Đông Nam Á với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển” - TS. Yap nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, dự án nằm trên hành lang kinh tế phía Bắc, kết nối 20 khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn, bao gồm Hải Phòng, Nội Bài, và kéo dài đến các tỉnh Vân Nam và Côn Minh, Trung Quốc. Thừa hưởng gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics của Tập đoàn YCH, SuperPort Việt Nam còn tận dụng được lợi thế kết nối với các trung tâm cung ứng toàn cầu trên khắp châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Chia sẻ về mục tiêu “xanh hóa”, đưa cảng logistics đa phương thức đầu tiên của châu Á đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, TS. Yap - cho biết, hưởng ứng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, SuperPort Việt Nam đã đưa các giải pháp phát triển bền vững tiên tiến vào các hoạt động cốt lõi của mình. Cụ thể, kế hoạch này bao gồm việc đánh giá lượng phát thải hiện tại; nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng các công nghệ như AI và IoT; lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang sử dụng xe điện cho vận chuyển hàng hóa vào năm 2030. Lượng phát thải còn lại sẽ được bù đắp thông qua việc mua tín chỉ năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon. “Chúng tôi cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam trong phát triển bền vững” - TS. Yap nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cam kết phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao. Bằng việc hợp tác với Tập đoàn YCH cùng Học viện Logistics và Chuỗi cung ứng Singapore (SCALA), dự án sẽ đào tạo 500 chuyên gia logistics thông qua chương trình phát triển tài năng kéo dài 9 tháng tại Singapore. Sáng kiến này nhằm mục đích chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực chất lượng cao, am hiểu công nghệ trong lĩnh vực logistics, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và R&D quan trọng.
Ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - đánh giá, mạng lưới logistics thông minh ASEAN với sự khởi đầu của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc về chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố lân cận; góp phần phát triển dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
“Sau một thời gian triển khai, đến nay một phần giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động với kho hàng không kéo dài được cấp phép hoạt động vào tháng 8/2023 đã rút ngắn thời gian thông qua hàng hóa cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, đánh dấu một sự khởi đầu cho sự phát triển dịch vụ logistics trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc” - ông Trần Duy Đông cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Công ty Cổ phần T&Y SuperPort Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn YCH về việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ dự án, cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực logistics của Việt Nam thông qua bản kế hoạch cụ thể trong năm 2024 để sớm đưa dự án vào vận hành theo đúng như tương lai mà SuperPort Việt Nam vạch ra.