Doanh nghiệp logistics 'than khó' vì quy định xét nghiệm COVID-19 của Quảng Ninh
Quy định đối với xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) giao nhận hàng thì lái xe phải xét nghiệm COVID-19 đến 3 lần… đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa có công văn gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP. Móng Cái về quy định xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe vận chuyển hàng qua cửa khẩu Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh.
Theo VLA, hiện nay, đối với xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm COVID-19 đến 3 lần, trong đó có 2 lần xét nghiệm PCR và một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Cụ thể, lần thứ nhất, theo chỉ đạo tại Công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu.
Lần thứ hai, theo Công văn số 4227/UBND-VP ngày 6/9/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Lần thứ ba, theo Công văn số 3577/UBND-BQLCK ngày 3/8/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe tiếp tục phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.
VLA nhận thấy cần thực hiện các quy định phòng dịch phù hợp với chỉ đạo tại Văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về thời hạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về việc chấp nhận xét nghiệm cho lái xe bằng cả 2 phương pháp PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
"Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe. Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc ngày hôm sau mới được rời đi, làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái”, VLA nhấn mạnh.
Không chỉ có VLA, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp hội viên về tình hình khó khăn trong việc xét nghiệm PCR cho lái xe, gây ách tắc giao thông, mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các quy định của Quảng Ninh và Móng Cái về xét nghiệm PCR cho lái xe đang không đúng với chỉ đạo của Chính phủ và các quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Với 3 lần xét nghiệm, đặc biệt là yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3, đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí và vận hành, đặc biệt là đội ngũ lái xe.
Nhằm mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, VLA đề nghị xem xét, thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải đường bộ bằng ô tô qua địa phận tỉnh Quảng Ninh và cửa khẩu Móng Cái phù hợp với Văn bản số 8849/BGTVT-VT ngày 25/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, VLA kiến nghị, không yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 đối với lái xe như đang quy định tại Công văn số 3577/UBND-BQLCK. Quy định này đang gây ra rất nhiều phiền hà cho lái xe, doanh nghiệp vận tải vì phải lưu giữ hàng hóa, phương tiện và người lái tại khu vực cửa khẩu để chờ kết quả xét nghiệm rồi mới được rời đi. Điều này làm gia tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vì phải tụ tập đông người tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, VLA kiến nghị không yêu cầu xét nghiệm lần thứ 2 như quy định tại Công văn số 4227/UBND-VP nếu kết quả xét nghiệm của lái xe vẫn còn trong thời giạn 72 giờ kể từ khi có kết quả.
Đặc biệt, VLA cho rằng, cần thống nhất việc tất cả các tỉnh chấp nhận lái xe chỉ cần xét nghiệm PCR một lần/tháng nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, còn đối với các lái xe chưa tiêm đủ thì cần có kết quả test nhanh trong vòng 72 giờ để giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.