Doanh nghiệp lớn cần đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi kép

Quá trình chuyển đổi kép cần sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của các bên liên quan và bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới. Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi này.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh đề xuất như vậy tại hội thảo về Phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12.11.

 Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh phát biểu tại hội thảo

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh phát biểu tại hội thảo

Theo ông Lê Việt Anh, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (chuyển đổi kép) là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Vấn đề chuyển đổi xanh cũng đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, nhiều quy trình sản xuất, bảo quản tiên tiến giúp gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu được công nhận và ứng dụng. Ngành công nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến trong hiện đại hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ và cơ cấu lại các ngành tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới

Đối với chuyển đổi số, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.

Những năm gần đây, kinh tế số của Việt Nam cũng đã có sự phát triển nhanh. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, kinh tế số đóng góp 12% GDP, nhưng đến năm 2023 đã tăng lên 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Thực tế, chuyển đổi kép xanh – số đã triển khai tại nhiều doanh nghiệp. Theo các đại biểu, điều này mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.

Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức về thể chế, công nghệ. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về chuyển đổi kép nên còn loay hoay. Đặc biệt, trong bối cảnh đại đa số doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa, tài chính đầu tư cho chuyển đổi kép đang là thách thức rất lớn.

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Để thúc đẩy chuyển đổi kép trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong xã hội, bao gồm cả phía các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, người dân.

Chuyển đổi xanh – số dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công chuyển đổi kép.

Nhấn mạnh quá trình chuyển đổi kép cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, ông Lê Việt Anh đề nghị, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kép này.

 Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam Đỗ Lê Thu Ngọc phát biểu

Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam Đỗ Lê Thu Ngọc phát biểu

Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam Đỗ Lê Thu Ngọc nhìn nhận, nỗ lực của Chính phủ cùng nhiều các tổ chức phát triển trong chuyển đổi kép đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn, trong khi đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt.

Do vậy, bà Ngọc khuyến nghị, để phát triển bền vững, không chỉ có doanh nghiệp lớn tiên phong trong chuyển đổi kép, mà cần bảo đảm cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nhóm yếu thế làm chủ không bị để lại phía sau.

 Đại diện Ban tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho đại diện doanh nghiệp

Đại diện Ban tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho đại diện doanh nghiệp

Cũng tại sự kiện, Ban tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương nhằm tri ân các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đồng hành trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep-lon-can-dong-vai-tro-dan-dat-chuyen-doi-kep-post396167.html